Tận dụng thị trường xây dựng Campuchia

10:16 | 17/12/2018

Sắt, thép, xi măng là nhóm vật liệu đang được tiêu thụ mạnh tại thị trường Campuchia...

Tạo mọi điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia
Việt Nam-Campuchia: Đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực Hải quan

Ông Trần Thanh Quang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Tân Phú (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho hay, 3 năm qua DN của ông đã trúng một số gói cung cấp vật liệu xây dựng tại thị trường Campuchia, như Nhà máy bia Tiger, Trung tâm thương mại Aeon Mall, Bệnh viện chợ rẫy Phnom Penh, nhà máy bao bì Crown,… mang lại nguồn thu khá tốt.

tan dung thi truong xay dung campuchia
Ảnh minh họa

Quả vậy, với đường biên giới chung hơn 1.000 km trải dài qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh Campuchia, trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Sự tương đồng về văn hóa cùng với điều kiện giao thông nhiều thuận lợi đã tạo điều kiện thúc đẩy việc thông thương hàng hóa giữa hai quốc gia. Đặc biệt, nhu cầu xây dựng lớn đã khiến Campuchia trở thành một điểm đến quan trọng cho các DN vật liệu xây dựng Việt Nam như Công ty Tân Phú.

Theo Bộ Xây dựng, Quản lý đất đai và Quy hoạch đô thị Campuchia, Chính phủ nước này đã phê duyệt hơn 1.643 dự án xây dựng trong năm 2018, với tổng vốn đầu tư là 2,15 tỷ USD. Các dự án gồm hạ tầng cơ sở, nhà ở, văn phòng và nhiều trung tâm mua sắm.

Trong khi nội lực sản xuất vật liệu xây dựng của Campuchia còn thiếu và chưa phát triển, sản phẩm trong nước không đủ cung cấp cho nhu cầu xây dựng chung, nên các DN xây dựng nước này tăng nhập khẩu vật liệu xây dựng từ các nước láng giềng gần như Việt Nam. Các mặt hàng vật liệu xây dựng mà Campuchia nhập khẩu nhiều từ Việt Nam gồm sắt, thép, cát xi măng.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 11 tháng năm 2018 Việt Nam đã xuất khẩu sang Campuchia 1,24 triệu tấn sắt, thép (trị giá 796,71 triệu USD). Chỉ riêng thị trường này đã chiếm đến 21,4% tổng khối lượng xuất khẩu thép của cả nước.

Với mặt hàng xi măng, tuy lượng tiêu thụ tại thị trường Campuchia không lớn như sản phẩm thép, song giá xi măng lại tương đối cao hơn (51,6USD/tấn) ở thị trường Trung Quốc (49,5USD/tấn). Dự báo thị trường Campuchia cũng sẽ tăng lượng nhập khẩu xi măng Việt Nam do hiện nay nhiều nhà máy sản xuất xi măng ở Trung Quốc phải đóng cửa để hạn chế́ ô nhiễm môi trường.

Khi làm việc với Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Chiv Sivpheng - Tổng giám đốc Hiệp hội Các nhà xây dựng Campuchia cho biết, nhu cầu tiêu thụ thép của Campuchia vẫn còn tăng mạnh mẽ, chưa dừng lại, bởi các dự án xây dựng nhà cao tầng vẫn đang tiếp tục xây dựng.

Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế và thu nhập ở Campuchia làm tăng nhu cầu về nhà ở, tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm. Vì vậy, trong 10 năm tới, nhu cầu thép xây dựng ở Campuchia được dự đoán sẽ không giảm. Các chủ đầu tư dự án xây dựng ở Campuchia chọn nhập khẩu thép Việt Nam vì giá cả phù hợp, cạnh tranh hơn với giá thép trong nước và chi phí vận chuyển thấp hơn so với thép nhập khẩu từ Thái Lan.

Ông Trần Thanh Quang cho biết thêm, các DN vật liệu xây dựng Việt Nam đang tận dụng thị trường Campuchia với các ưu điểm. Thứ nhất là thị trường tiêu thụ vật liệu xây dựng còn nhiều dư địa phát triển, do nước này đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà máy, công xưởng, khu du lịch… để thu hút đầu tư nước ngoài.

Thứ hai là vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển hàng hóa thấp, từ cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) đến Thủ đô Phnôm Pênh chỉ trên dưới 6 giờ bằng đường bộ.

Thứ ba, việc xuất khẩu sắt thép của Việt Nam thời gian qua liên tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Hoa Kỳ, Canada, Malaysia, Ấn Độ…. khiến DN sản xuất và xuất khẩu thép gặp khó khăn. Trong khi thị trường tiêu thụ trong nước gần như bão hòa, còn chịu sức ép cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc…

Vì vậy, việc tìm được nguồn tiêu thụ tại các thị trường gần như Campuchia, Lào, Myanmar được xem là hướng mới, để ngành thép và vật liệu xây dựng có được thị trường tiêu thụ bền vững.

Thanh Thanh

Tin đọc nhiều