Tăng cường đối thoại để gỡ khó

10:00 | 17/05/2017

Thời gian gần đây, ngành Ngân hàng trên địa bàn Ninh Thuận đã không ngừng nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho DN. Sự vào cuộc tích cực của các TCTD đã góp phần hỗ trợ nhiều DN vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển tình hình sản xuất kinh doanh.

Du lịch Ninh Thuận khởi sắc
Làm giàu trên vùng đất hạn

Tại CTCP Giống cây trồng Nha Hố, một trong những DN ở Ninh Thuận được tham gia vay vốn theo chuỗi, theo NQ 14 của Chính phủ. Cụ thể, dự án liên kết sản xuất giống cây trồng của công ty có quy mô 1.050 ha (lúa giống 700 ha, ngô giống 350 ha), tổng vốn đầu tư 49,192 tỷ đồng. Trong đó, Agribank Ninh Thuận cam kết cho vay 18 tỷ đồng vốn lưu động với lãi suất ưu đãi…

tang cuong doi thoai de go kho
Tăng cường đối thoại để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho DN

TS. Vũ Xuân Long, Tổng giám đốc công ty cho biết, được vay vốn ngân hàng với hạn mức cao hơn, lãi suất ưu đãi, giúp DN giảm chi phí, giảm giá thành, chủ động nguồn vốn để mở rộng sản xuất, ứng phó với thiên tai. Đặc biệt, với số vốn ưu đãi này công ty đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với hơn 1.070 hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh Nam Trung bộ.

Ngoài việc DN được hưởng lợi, chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi còn mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân khi tham gia chương trình, góp phần tăng cường gắn kết DN với nhà nông…

Theo đại diện Agribank Ninh Thuận, trong thời gian qua, ngoài việc ưu tiên vốn cho tam nông, chi nhánh còn ưu tiên cho vay DN, đặc biệt DNNVV. Trong đó, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản...

Tính đến nay trên địa bàn Ninh Thuận có khoảng 2.000 DN đang hoạt động. Trong đó, có 1.145 DN có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ tín dụng đạt 5.970 tỷ đồng, tăng 4 DN và 220 tỷ đồng dư nợ so với cuối năm 2016, chiếm 43,5% dư nợ cho vay của các NHTM.

Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên 3.180 tỷ đồng/644 DN. Triển khai các giải pháp tín dụng tháo gỡ khó khăn cho DN, các NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 7 khách hàng vay là DN với dư nợ 3,2 tỷ đồng, xem xét miễn, giảm lãi vay cho 2 DN với số lãi được miễn giảm là 0,64 tỷ đồng.

Ngoài ra, các TCTD còn tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, giảm thiểu chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh với dư nợ đạt 30,75 triệu USD, tăng 2,65 triệu USD so với cuối năm 2016.

Tuy nhiên, trong thực tế tại Ninh Thuận cũng như một số địa phương khác trong cả nước, một số DN đang khó khăn về tài chính và có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, nhưng thiếu tài sản đảm bảo theo quy định, ngân hàng cũng không thể cho vay vượt quá chính sách khách hàng. Trong khi đó, việc cho vay thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tỉnh khó mở rộng (trong quý I/2017 không phát sinh món bảo lãnh nào).

Đặc biệt, các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tiếp tục gặp khó khăn, nhất là các DN thi công xây lắp các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách do chủ đầu tư chậm thanh toán. Điều này, đã ảnh hưởng đến thanh toán nợ vay của các DN, phát sinh nợ xấu làm hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng của bản thân các DN.

Ngoài ra, một số DN sau khi ngân hàng đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ nhưng vẫn không thể duy trì hoạt động, trả nợ vay, buộc phải xử lý tài sản để thu hồi nợ vay nhưng rất chậm và quá trình xử lý này gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Văn Cương, Giám đốc NHNN chi nhánh Ninh Thuận, để tiếp tục hỗ trợ DN có hiệu quả trong thời gian tới các TCTD sẽ tiếp tục tăng cường đối thoại với DN để kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn vốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng sức tiêu thụ của thị trường.

Ưu tiên vốn cho các DN hoạt động trong lĩnh vực được khuyến khích theo chủ trương của Chính phủ, DN tham bình ổn thị trường, DN tạo nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho tỉnh, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng tín dụng xanh...

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều