Tăng cường liên kết chuỗi giá trị toàn cầu

08:15 | 03/12/2018

Giới chuyên gia đánh giá, nông sản của Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng thế mạnh của mình...

Thiếu liên kết, các vùng kinh tế đang tự triệt tiêu lợi thế
DN vẫn chưa mặn mà với liên kết

Phát biểu tại Diễn đàn Xuất khẩu Việt Nam 2018 diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường thế giới và phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 tăng gấp trên 3 lần năm 2010, cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.

tang cuong lien ket chuoi gia tri toan cau
11 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 5,7 triệu tấn với giá trị 2,86 tỷ USD

Để làm được điều này, vai trò của các DN xuất khẩu là vô cùng quan trọng, không chỉ với thương mại mà cả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Dự kiến, với kim ngạch xuất khẩu đạt 240 tỷ USD trong năm 2018, tăng trưởng 10-12% so với năm 2017, các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn trong quá trình hội nhập thương mại thế giới.

Mặc dù vậy, theo ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện Jetro TP.HCM, trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng hiệu quả các chính sách thương mại trong khu vực và trên thế giới, trước tiên các DN xuất khẩu của Việt Nam cần kết nối, cũng như tham gia chặt chẽ vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc cập nhật các cơ hội, thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); các dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu như bảo hiểm, kiểm định hàng hóa, logistics… là không thể thiếu được nếu muốn tham gia “sân chơi” toàn cầu.

Bàn về vấn đề này, ông Nestor Sherbey - cố vấn cấp cao Liên minh tạo thuận lợi hóa thương mại toàn cầu cho rằng, DN Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa đi quốc gia nào thì cần phải nắm rõ quy định cũng như những đặc tính riêng về hàng hóa nhập khẩu tại quốc gia đó. Câu chuyện cụ thể được đưa ra như một minh chứng cho vấn đề này chính là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, các DN Việt Nam đã làm gì để tận dụng cơ hội cũng như hạn chế những thách thức.

Bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể mở ra những cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, song các nhà nhập khẩu Mỹ cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ đối với hàng hóa mà họ nhập khẩu để tránh gian lận thương mại.

“Khi cân nhắc sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu đi Hoa Kỳ mà có liên quan đến Trung Quốc hoặc quốc gia đầu vào khác, hãy tư vấn với chuyên gia để hiểu được liệu xuất xứ Việt Nam có được chấp nhận bởi Hải quan Hoa Kỳ hay không”, ông Nestor Sherbey khuyến cáo.

Ở một khía cạnh hoàn toàn khác trong lĩnh vực nông nghiệp vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam, chuyên gia Tổ chức USAID khẳng định, nếu các DN nông lâm nghiệp của Việt Nam không hướng đến sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật “xanh, sạch”… thì khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 11 tháng năm 2018 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện đạt 46,1 tỷ USD, tăng 11,5%; hàng dệt may đạt 27,8 tỷ USD, tăng 17,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27 tỷ USD, tăng 13,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 15,1 tỷ USD, tăng 28,6%; giày dép đạt 14,5 tỷ USD, tăng 9,9%.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản cũng tăng khá: Thủy sản đạt 8 tỷ USD, tăng 6,1%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6%; cà phê đạt 3,3 tỷ USD, tăng 2,9% (lượng tăng 23%); gạo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16,8% (lượng tăng 4,8%).

Tuy nhiên giới chuyên gia đánh giá, nông sản của Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng thế mạnh của mình. Ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT Việt Nam nhấn mạnh, lĩnh vực nông lâm nghiệp chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư nước ngoài cũng như phát huy được thế mạnh sẵn có.

Nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp thường có 100% nguồn gốc xuất xứ thuần túy từ Việt Nam nên ít khi bị trở ngại liên quan đến gian lận thương mại. Nếu có quan trọng hơn chính là vấn đề truy xuất nguồn gốc vì phần lớn các nhà nhập khẩu trên thế giới đều coi trọng vấn đề này vì mục tiêu chung phát triển bền vững và hướng tới thúc đẩy thương mại hóa, hội nhập toàn cầu.

Để cải thiện nội lực của DN, USAID đang có dự án hỗ trợ cải thiện nội lực sản xuất cho DNNVV cho DN Việt Nam. Tổng chi phí hỗ trợ là 22,1 tỷ USD. Về phía DN nội khi tham gia dự án này còn được hỗ trợ tiếp cận chuỗi cung ứng thông qua hoạt động kết nối trực tiếp với công ty thu mua, tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá, tạo thuận lợi giao dịch thương mại cho DN. Về khía cạnh này, DN nội sẽ giảm chi phí, thời gian trong việc tìm kiếm nhà cung cấp cũng như chi phí vận hành DN.

Chiến lược phát triển xuất khẩu mà Chính phủ đã phê duyệt, dự kiến đến năm 2020, Việt Nam sẽ cân bằng cán cân kim ngạch xuất nhập khẩu. Và từ năm 2021, cán cân thương mại Việt Nam sẽ là xuất siêu. Tuy nhiên, trên thực tế, cán cân thương mại Việt Nam đã duy trì trạng thái xuất siêu từ năm 2017.

Dự kiến, cuối năm 2018, Việt Nam xuất siêu dao động ở mức 7 tỷ USD. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng xuất siêu của Việt Nam chưa thực sự bền vững do phụ thuộc nhiều vào khối DN FDI. Hiện DN FDI chiếm 70%/tổng kim ngạch xuất khẩu. Khảo sát của Jetro cho thấy, lợi thế FTA nhiều nhưng việc tận dụng thực tế vẫn còn rất hạn chế hiện chỉ có 40% DN trong nước tận dụng lợi thế từ các FTA.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều