Tăng tốc khởi nghiệp

10:04 | 19/12/2018

Để thành công trong lĩnh vực công nghệ nhất định phải có nhà đầu tư lớn “chống lưng” về tài chính

Kiều hối theo chân Việt kiều khởi nghiệp
Để quản lý tốt dòng tiền kinh doanh, cách nào?
Chuyện khởi nghiệp của những doanh nhân vi mô

Dần hình thành hệ sinh thái chuyên nghiệp

Thị trường gọi xe công nghệ ở Việt Nam vẫn chưa hết sức hấp dẫn khi vừa mới đây ứng dụng gọi xe Be của Công ty công nghệ Be Group đã chính thức ra mắt và hoạt động. Cùng với sự nhập cuộc của tân binh được đánh giá là thuần Việt 100%, mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực gọi xe công nghệ đang được đánh giá là ngày càng chuyên nghiệp nhờ việc áp dụng các chính sách am hiểu địa phương, cũng như có sự phối hợp giữa các bên từ nhà khởi nghiệp cho tới nhà cung ứng vốn để đảm bảo khả năng phát triển đường dài.

Điểm đặc biệt là thay vì sa vào câu chuyện tranh cãi chưa có hồi kết như Grab, đó là loại hình kinh doanh là công ty công nghệ hay công ty vận tải, Be đã tự định danh ngay từ đầu là kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và khắc phục được những vấn đề bất cập trong mô hình hoạt động tương tự mà Uber hay Grab đang gặp phải tại các quốc gia và ngay cả ở Việt Nam.

tang toc khoi nghiep
DN Việt tạo ra sản phẩm công nghệ cần ít tiền và hiệu quả đầu tư cao

Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc Be Group nhấn mạnh hãng này không nhắm đến mục tiêu giá siêu rẻ mà tập trung xây dựng chất lượng dịch vụ và sự gắn bó của tài xế. Đặc biệt Be là ứng dụng gọi xe đầu tiên xây dựng chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ các đối tác tài xế khi tham gia. “Chúng tôi mong muốn nghề tài xế hay tài xế công nghệ không phải là tạm thời mà là nghề nghiệp chính thức được công nhận”, ông Hải nêu quan điểm và cho biết công ty có nhiều chương trình đào tạo, hướng dẫn tài xế.

Trước câu hỏi của báo giới về việc thị trường gọi xe công nghệ được coi là “đốt tiền”, ông Trần Thanh Hải cho biết Be tự tin về tiềm lực tài chính với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là một trong những đối tác chiến lược của Be. Theo đó, VPBank sử dụng dịch vụ vận chuyển của Be, hỗ trợ tài chính cho Be trong quá trình vận hành, hoạt động đồng thời cùng nhau nghiên cứu, triển khai các gói tín dụng cá nhân để hỗ trợ tài xế.

Cùng với sự tham gia của DN Việt Nam vào thị trường gọi xe công nghệ, thị trường dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) gần đây cũng đang có những chuyển động đáng chú ý, cho thấy các mô hình khởi nghiệp tại Việt Nam đang dần chuyên nghiệp hơn. Các chuyên gia cho rằng ngành fintech đang tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh, trong đó các DN hỗ trợ lẫn nhau. Chẳng hạn với sự phát triển của các ứng dụng ví điện tử, các ngành thương mại truyền thống và DN thương mại điện tử đang phát triển nhanh và sôi động hơn bao giờ hết.

Theo ông Hoàng Quốc Quyền - Tổng giám đốc Vinfast Service, sự phát triển của ngành fintech chính là cơ hội cho các công ty khởi nghiệp trong môi trường kinh doanh đang bị chiếm lĩnh bởi các công ty lớn. Theo ông, các start-up có thể đi vào thị trường ngách, tạo ra các dịch vụ hay sản phẩm cho các công ty fintech là một nơi bán hàng đã có sẵn danh tiếng. Đây là cách mà các star-tup có thể cạnh tranh với các DN cùng ngành đã hoạt động từ lâu trước đó.

Vẫn chờ động lực từ chính sách

Đánh giá về sự thay đổi của các mô hình khởi nghiệp hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực số hoá cũng như kinh doanh về công nghệ nhất định phải có NĐT lớn “chống lưng”. Nếu các DN khởi nghiệp đã có đối tác chiến lược cung cấp tài chính đứng đằng sau thì cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ đó để lớn lên thật nhanh. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập hiện nay, nếu DN không tranh thủ cơ hội để lớn thật nhanh thì cũng đồng nghĩa sẽ nhanh chóng bị chết yểu.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra thực tế là Chính phủ rất trăn trở với khởi nghiệp nhưng thực tế chính sách chưa có nhiều cho lĩnh vực này. Theo đó, hỗ trợ về tài chính của Việt Nam còn kém xa Mỹ, Nhật Bản. Đơn cử như Chính phủ Mỹ dành khoảng 190 tỷ USD/năm cho các DN khởi nghiệp. “Bộ trưởng của họ khen DN khởi nghiệp của Việt Nam chỉ cần 11.000 USD là tạo được 1 việc làm, trong khi DN Mỹ gấp 3 lần, họ khen người Việt thông minh và tạo ra sản phẩm công nghệ cần ít tiền. Rõ ràng chúng ta có lợi thế nhưng chưa có nguồn lực, chính sách để tận dụng”, ông Nghĩa trăn trở.

Theo các chuyên gia, hỗ trợ tài chính vẫn là nút thắt lớn nhất đối với DN khởi nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã lên kế hoạch xây dựng một quỹ riêng tài trợ cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, song tới nay vẫn chưa thành hình. Hoặc chính sách hỗ trợ tài chính như Nghị định về phát hành trái phiếu DN cần được sửa đổi để phù hợp hơn với tình hình phát triển của DN Việt Nam, song 2 năm rồi cũng vẫn chưa xong.

Các vấn đề nút thắt về chính sách cũng như nguồn lực hỗ trợ cho khởi nghiệp đã được nhận diện tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 tổ chức hồi cuối tháng 11 vừa qua tại Đà Nẵng. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị các cơ quan liên quan bao gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và NHNN đề xuất báo cáo Chính phủ các vấn đề chính bao gồm khung pháp lý đặc thù để tạo điều kiện cho khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế riêng để khơi thông nguồn vốn và thành lập DN, chính sách để DN lớn hỗ trợ khởi nghiệp.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều