Tạo cơ hội để phụ nữ đóng góp nhiều hơn

14:50 | 24/11/2017

Đầu tư cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới giúp các DN do phụ nữ làm chủ tiếp cận những thị trường mới, thu hút và giữ chân lao động có tay nghề tốt.

Khi phụ nữ được hỗ trợ làm giàu
Thúc đẩy tiềm năng cho phụ nữ khởi nghiệp

Lợi cho kinh doanh

Được thực hiện với sự hỗ trợ của các đối tác phát triển, trong đó có Chính phủ Australia, báo cáo “DN do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Quan niệm và tiềm năng” gần đây của IFC, thành viên của Nhóm WB khẳng định, nữ doanh nhân Việt Nam đóng góp đáng kể vào sự phát triển của khu vực DNNVV.

tao co hoi de phu nu dong gop nhieu hon
Đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế trong khuôn khổ APEC 2017

Cụ thể, hiện có khoảng 96 nghìn DN chính thức ở Việt Nam là do phụ nữ làm chủ. Trong đó, phần lớn (khoảng 57%) là các DN siêu nhỏ, 42% (khoảng gần 45 nghìn DN) là DNNVV và 1% là DN lớn.

Riêng nhóm đối tượng DNNVV do nữ làm chủ - đối tượng chính của nghiên cứu này – thì nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng lên tới 1,19 tỷ USD. Dù quản lý và điều hành hoạt động của gần 45 nghìn DNNVV thuộc các lĩnh vực khác nhau và các nữ doanh nhân tạo ra lợi nhuận trung bình hàng năm tương đương với các nam doanh nhân nhưng trong hai năm vừa qua, chỉ 37% DNNVV do phụ nữ làm chủ được khảo sát cho biết tiếp cận được các khoản vay NH, so với 47% DN thuộc sở hữu của nam giới.

Đa phần các NH hoặc cho rằng không cần đưa ra một cách tiếp cận riêng đối với các nữ doanh nhân, hoặc đánh giá phân khúc này là ít lợi nhuận hơn, nhiều rủi ro hơn và thiếu kỹ năng quản lý tài chính.

Mặc dù quan niệm phổ biến là các nam và nữ doanh nhân đều gặp phải những thách thức giống nhau trong kinh doanh, báo cáo này của IFC cho thấy đang tồn tại những nhìn nhận sai lệch – dù vô thức hay cố ý – ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận vốn NH và các dịch vụ khác cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của DN do phụ nữ làm chủ.

Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho rằng, khảo sát này đã góp phần thay đổi nhìn nhận về khu vực DNNVV do phụ nữ làm chủ khi chỉ ra những thách thức trong phục vụ phân khúc này thật ra lại chính là cơ hội cho các NH và các nhà cung ứng dịch vụ nói chung, tạo điều kiện cho họ nắm bắt được một thị trường đang tăng trưởng của các nữ doanh nhân có năng lực.

“Đã đến lúc các NH cần nhìn nhận DNNVV do phụ nữ làm chủ là một phân khúc khách hàng chiến lược và riêng biệt, với những sản phẩm và dịch vụ được thiết kế phù hợp hơn”, vị này khuyến nghị. Báo cáo của IFC cũng gợi mở các NH cần tập trung tìm hiểu kỹ hơn phân khúc này, thông qua xác định các nhu cầu và cơ hội tài chính cũng như phi tài chính cụ thể của phụ nữ, nhất là cải thiện, thiết kế các sản phẩm và dịch vụ dành cho DNNVV do phụ nữ làm chủ.

Ông Đào Gia Hưng, Phó giám đốc khối khách hàng DNNVV, VPBank cho biết rất ấn tượng khi tiếp cận với các kết quả nghiên cứu trong báo cáo trên của IFC. Và kể từ khi biết được các số liệu nghiên cứu này, VPBank đã coi đây là cơ hội rất lớn, mở ra một phân khúc đầy tiềm năng.

“Điều đó thúc đẩy chúng tôi không chỉ đơn giản là đưa vốn cho họ mà còn có một loạt các hoạt động, các chiến lược về dịch vụ phi tài chính và chạy thử dự án thí điểm về chuỗi liên kết kết hợp kinh doanh để mang lại gói dịch vụ hoàn chỉnh cho các DN do phụ nữ làm chủ’, ông Hưng cho biết.

Thuận cho phát triển

Tiếp cận ở một góc độ khác, Báo cáo toàn cầu của IFC “Giải quyết vấn đề chăm sóc trẻ: Hiệu quả kinh tế dành cho các DN thực hiện công tác chăm sóc trẻ cho người lao động”, được thực hiện với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản gần đây chỉ ra một thực tế là, phụ nữ có thiên hướng đảm nhận trách nhiệm chăm con trong khi việc thiếu các dịch vụ chăm sóc trẻ đang là một rào cản chính cản trở họ tham gia vào lực lượng lao động.

Báo cáo này dựa trên 10 nghiên cứu điển hình về các công ty trên thế giới có cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ khác nhau, từ việc trực tiếp mở cơ sở chăm sóc trẻ đến hỗ trợ tài chính cho nhân viên có con phải gửi nhà trẻ. Các nghiên cứu điển hình cho thấy, những DN có cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ đều nhận định rằng, hoạt động này khiến tỷ lệ người lao động nữ rời công ty giảm đi rõ rệt trong khi chất lượng ứng viên tăng lên và các vị trí trống nhanh chóng được lấp đầy.

Đồng thời, hiệu quả công việc tăng lên do tỷ lệ xin nghỉ làm hay đến muộn giảm, người lao động tập trung làm việc hơn, có động lực và cam kết lớn hơn trong khi sự đa dạng giới cũng như sự thăng tiến của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo đều được cải thiện. Điều đó hàm ý rằng, khi các công ty hỗ trợ chăm sóc trẻ, họ có thể tuyển dụng và giữ chân lao động có tay nghề tốt, từ đó nâng cao năng suất lao động và lợi nhuận kinh doanh.

Tại Việt Nam, việc hỗ trợ và cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ dù chưa phổ biến nhưng cũng đã được nhiều DN quan tâm thực hiện. Đơn cử như Tổng công ty May 10 - DN có khoảng 80% lao động là nữ - đã đầu tư xây dựng khu tập thể, xây trạm y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường cao đẳng nghề dành cho con em cán bộ, công nhân viên và cho cộng đồng dân cư xung quanh.

Nhờ thấu hiểu lao động nữ, ngoài công việc chung còn phải đảm đương thiên chức người mẹ, người vợ và mối quan tâm của họ cho gia đình, con cái và với những hỗ trợ cụ thể như trên nên đến nay, thậm chí nhiều gia đình đã có tới bốn thế hệ tiếp nối nhau làm việc trong ngôi nhà chung này.

Diễn đàn Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế trong năm APEC 2017 tại TP. Huế tháng 9 vừa qua đã nêu ra một con số đáng chú ý: Nghiên cứu ở nhiều nền kinh tế cho thấy chỉ cần đầu tư 2% GDP vào ngành dịch vụ chăm sóc, đặc biệt trong các dịch vụ xã hội và chăm sóc trẻ em, số lượng việc làm sẽ tăng khoảng từ 2,4 đến 6,1%. Từ đó, phần lớn các công việc tạo ra có thể do phụ nữ đảm nhiệm, làm giảm khoảng cách giới trong việc làm.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều