Thách thức tìm sự khác biệt

09:09 | 04/06/2015

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, nhìn lại nền sản xuất có thể thấy năng lực để nắm cơ hội, phát triển lên chưa thực sự rõ ràng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

thach thuc tim su khac biet
Ảnh minh họa

Hoàng Quyết Tiến, quê Nghệ An, rảo bước qua cơ xưởng sản xuất cửa gỗ công nghiệp ở Cụm công nghiệp Liên Phương, Hà Nội, nơi anh gắn bó hơn 10 năm nay. Đến cửa, anh quay nhìn trân trân gian phòng rộng thênh thang, các thiết bị vừa được chuyển đi để lại một khoảng trống dường như rộng hơn so với thường ngày. Tiến trao lại khóa cổng cho giám đốc DN để trả chủ xưởng cho thuê, đi về phía quốc lộ 1, bắt xe về quê.

CTCP Saga, nơi Tiến từng làm việc, đang làm thủ tục giải thể. Đó là kết quả buồn của những hoạch định chiến lược kinh doanh không phát huy hiệu quả trên thực tế. Khoảng 3 năm trước, khi nền kinh tế đã trải qua một giai đoạn dài khó khăn, những lãnh đạo DN cho rằng sự phục hồi của thị trường xây dựng sẽ đến nhanh, nên một kế hoạch đầu tư mở rộng đã được xây dựng và thông qua.

Trong bối cảnh khó khăn tài chính, phải co kéo về nguồn lực đầu tư khiến tầm nhìn công nghệ của Saga chỉ với tới được các thiết bị “Made in China”. Không tạo được sự khác biệt về công nghệ sản xuất, hạn chế về chất lượng sản phẩm và kiểu dáng thiết kế, khả năng đa dạng hóa mặt hàng gần như bất khả thi, Saga buộc phải cạnh tranh về giá. Tuy thế, khách hàng cứ vơi dần và sản xuất nhỏ lại. Kết cục phải đóng cửa DN ngày hôm nay đã được thấy trước.

Những kế hoạch đầu tư như Saga không thiếu, cứ lặp đi lặp lại từ DN này sang DN khác, khiến thị trường tràn ngập những sản phẩm na ná nhau về kiểu dáng, chất lượng… Khi nền kinh tế sụt giảm về tổng cầu, sự sàng lọc lên đến đỉnh điểm khiến nhiều doanh nhân buộc phải “rũ áo ra đi”. Báo cáo cập nhật 5 tháng năm 2015 của Tổng cục Thống kê cho biết, khoảng 94% số DN trong nhóm này có vốn dưới 10 tỷ đồng. Các DN chủ yếu sử dụng thiết bị rẻ tiền, không đến từ các nước phát triển về công nghệ.

Nền sản xuất trong nước dựa trên các kế hoạch đầu tư, kinh doanh và các thực thể DN như vậy tạo nên những đặc điểm riêng, cố hữu: sự phụ thuộc về công nghệ với trình độ thấp; cạnh tranh về giá là chủ yếu, khiến giá trị gia tăng nội địa ngày càng co lại; cuộc chiến tồn tại của các DN yếu về năng lực cạnh tranh khiến các vi phạm đạo đức kinh doanh ngày càng nhiều, từ mua chuộc người ra quyết định đầu tư đến làm điêu, bán dối… Hiện trạng đó quay trở lại cản trở các DN làm ăn nghiêm chỉnh, các dự án đầu tư bài bản và làm mất đi động lực cải tiến công nghệ.

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới, nhìn lại nền sản xuất có thể thấy năng lực để nắm cơ hội, phát triển lên chưa thực sự rõ ràng ở nhiều ngành, lĩnh vực. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu và thiết bị bên ngoài như dệt may, da giày, điện thoại máy tính… Ngay trong nông nghiệp, nhiều loại nông sản Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch quốc tế nhưng cơ hội đầu tư tăng giá trị gia tăng gần như không có. Xuất thô nguyên liệu và gia công đang trở thành xu hướng mặc định cho các ngành, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

Giờ đây, đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng hơn, từ một nền tảng công nghệ thấp nhiều thế hệ so với thế giới, nhưng các DN Việt Nam vẫn rất ít thông tin về đối thủ, khó mường tượng được lộ trình đi đâu, về đâu trong thế giới tương lai. Khi mà các hiệp định thương mại tự do quan trọng được thực thi thời gian tới, cung cách làm ăn bó buộc về khả năng đổi mới công nghệ và sản phẩm hiện nay sẽ còn “đuổi” nhiều người như Hoàng Quyết Tiến về quê hơn nữa. Còn hiện tại, thị trường đang đặt các DN trước sự thúc bách phải nhanh chóng tìm ra cho mình khác biệt, để tồn tại giữa cạnh tranh.

Anh Quân

Tin đọc nhiều