Thách thức với xuất khẩu dần hiện hữu

08:48 | 20/04/2015

Để đáp ứng được các yêu cầu mới từ các hiệp định thương mại là điều hoàn toàn không đơn giản.

Cuộc chơi cũ

Là một trong những DN xuất khẩu hàng đầu tại Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, mặt hàng với doanh số lên tới 350 triệu USD, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) luôn theo đuổi chiến lược không phụ thuộc vào một mặt hàng mà phải đa dạng hoá hoạt động.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Điều hành của Hapro, việc tạo ra nguồn hàng đa dạng, ổn định là điều kiện tiên quyết của DN trong hoạt động thương mại quốc tế. Theo đó, cùng với việc đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu, Hapro còn tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong nội bộ để ổn định nguồn cung hàng cho thị trường.

“Việc liên kết và cùng hợp tác nội bộ của Hapro là rất cần thiết. Chúng tôi liên kết giữa các nhà máy sản xuất và chế biến để tạo nên sức mạnh hỗ trợ cho nhau, ổn định nguồn hàng xuất khẩu”, bà Hiền nói.

Hiện Hapro tập trung đầu tư chiều sâu vào khâu cuối của sản xuất. Việc đầu tư ở công đoạn cuối này phù hợp với người làm thương mại. Song, công ty cũng nhận thức rõ nếu đầu tư lớn mà công tác thị trường làm không tốt thì sản phẩm cũng không thể đến với người tiêu dùng.

Do đó, bên cạnh công tác đầu tư phát triển sản phẩm, Hapro cũng tập trung phát triển thị trường thông qua việc phát triển, mở rộng hệ thống bán hàng vệ tinh; tập trung nguồn lực để khảo sát các thị trường mới và quảng bá cho sản phẩm. Hiện nay, DN này đang đầu tư phòng mẫu để trưng bày, giới thiệu hàng xuất khẩu với quy mô lớn, đặt tại Hà Nội để thu hút khách hàng tới tham quan.

Các hoạt động hội chợ thương mại ngành nghề cũng được Hapro chú trọng tham gia, đồng thời luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với đại sứ quán và thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để có sự trao đổi thông tin thường xuyên về các thị trường.

thach thuc voi xuat khau dan hien huu
Đa dạng hóa sản phẩm và liên kết chuỗi để cùng phát triển

Theo đánh giá của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thì sự chủ động linh hoạt về thị trường, sản phẩm của các DN đã giúp cho hoạt động xuất khẩu tăng trưởng khá ấn tượng, luôn đạt mức từ 10 - 15% trong các năm qua, bất chấp nền kinh tế thế giới suy giảm.

Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch, từ chỗ chủ yếu xuất những sản phẩm thô, nguyên liệu thô… thì nay hàm lượng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chế biến đã có tăng lên.

Tuy nhiên, cũng theo ông Hải thì hoạt động này đang bộc lộ tính thiếu bền vững, khi tỷ lệ các sản phẩm xuất khẩu thô vẫn ở mức cao, trong khi ngành công nghiệp chế biến, dù chiếm 2/3 cơ cấu hàng xuất khẩu nhưng giá trị mang về vẫn ở mức thấp. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường, sản phẩm cũng chưa đồng bộ, phụ thuộc vào một số thị trường, ngành hàng, nên xuất khẩu dễ chịu rủi ro nếu thị trường và sản phẩm có sự biến động.

Thách thức mới

Thực trạng trên đang đặt ra nhiều thách thức cho các DN xuất khẩu, trong xu hướng hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay của Việt Nam. Theo ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thì Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu khi thời gian tới, hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác quan trọng được ký kết.

Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội thị trường, ông Sơn cho rằng bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, DN cũng cần chủ động trong khai thác thị trường, đa dạng hoá các hoạt động xúc tiến thương mại.

Bà Đặng Phương Dung, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận, bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới đặt ra những yêu cầu mới về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá. Để tiếp tục đáp ứng được nhu cầu thị trường, DN phải đối mặt không ít thách thức. Đơn cử như với dệt may, khi gia nhập các hiệp định thương mại, DN ngành này phải đáp ứng những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ mới được hưởng các ưu đãi thuế quan.

“Để đáp ứng được những yêu cầu mới từ các hiệp định thương mại thì không phải đơn giản. Bên cạnh việc làm chương trình xúc tiến trọng điểm và quốc gia, cần giúp DN có cơ hội đem mặt hàng của mình tới thị trường xuất khẩu mà mình đang tính đến, hướng tới. Hệ thống thương vụ ở các nước cần tăng vai trò này để giúp tăng khả năng tận dụng được các lợi thế thị trường. Bản thân DN và hiệp hội cũng sẽ liên tục gắn kết với đoàn đàm phán để DN hiểu và sẵn sàng cho hội nhập, tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng”, bà Dung nêu ý kiến.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều