Thái Lan chú trọng thị trường Việt Nam

09:30 | 10/08/2016

Thị trường Việt Nam có một sức hút mạnh mẽ đối với các DN Thái Lan, và đồng thời họ cũng tạo nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đòi hỏi các DN Việt cần có sự chuẩn bị kỹ càng để vào cuộc nếu muốn tồn tại và phát triển.

Nhiều DN Thái Lan muốn đầu tư vào Việt Nam
Mở rộng kinh doanh thông qua triển lãm thương mại quốc tế

Hiện nay, tập đoàn xi măng Siam của Thái Lan đang thực hiện chiến lược mở rộng đầu tư tại các thị trường Đông Nam Á (ASEAN). Nhu cầu xi măng tăng của nhiều nước trong khu vực do hoạt động xây dựng các dự án cao ốc và cơ sở hạ tầng là lý do chủ yếu để tập đoàn quyết định mở rộng kinh doanh.

Đại diện của Siam cho biết, họ sẽ mở một nhà máy xi măng ở thành phố Mawlamyine, của Myanmar, gần biên giới Thái Lan. Nhà máy này sẽ có công suất 1,8 triệu tấn/năm.

thai lan chu trong thi truong viet nam
Nhiều công ty Thái Lan đã chắc chân tại thị trường Việt Nam

Năm ngoái, tập đoàn cũng đã khởi công xây dựng nhà máy tại 2 nước khác trong khu vực là Campuchia và Indonesia. Siam xác định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều nước trong khu vực ASEAN là bởi nhìn thấy được những tiềm năng phát triển, thị trường ở các nước này có thể sẽ mang về thu nhập quan trọng trong nguồn thu của tập đoàn.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn cho biết, doanh thu từ các nước ASEAN chiếm 23% tổng doanh thu của tập đoàn trong quý II/2016, mức cao nhất từ trước đến nay.

Một tập đoàn khác của Thái Lan là Saha Group lại có lợi thế về mặt địa lý, cũng như có nhiều kinh nghiệm về các dịch vụ cung ứng và phân phối hàng hóa ở Việt Nam. Tập đoàn này đã thành lập công ty Saha Vietnam để phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng tại Việt Nam thông qua các đại lý bán lẻ. Lãnh đạo của Saha cho biết: “Chúng tôi muốn tăng cường đầu tư ra nước ngoài.

Tại Việt Nam, chúng tôi quan tâm đến các lĩnh vực như cung ứng dịch vụ, BĐS và bán buôn. Trong đó, ưu tiên mở rộng kinh doanh lâu dài ở lĩnh vực BĐS”. Hiện tại, Saha Group và đối tác Nhật Bản vẫn đang trong quá trình đàm phán thành lập liên doanh để đầu tư tại Việt Nam.

Thỏa thuận này nhằm tranh thủ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cũng như từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết. Nếu đạt được thỏa thuận, Saha Group có thể tăng cường khả năng cạnh tranh trong thị trường khu vực.

Về phía chính quyền, ông Manopchai Vongphakdi, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền - Đại sứ quán vương quốc Thái Lan tại Hà Nội cho biết, hiện tại đã có 2.000 DN Thái Lan tỏ ý định muốn đầu tư và đăng ký với Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam. Nhiều DNNVV tại Thái Lan cũng đang phát triển nhiều hơn nữa các hoạt động tại Việt Nam để đạt được thị phần cao hơn tại thị trường này.

Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư 7,88 tỷ USD vào 428 dự án tại Việt Nam, xếp vị trí 11 trên tổng số 112 nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ông Manopchai Vongphakdi cho biết thêm.

Thị trường Việt Nam có một sức hút mạnh mẽ đối với các DN Thái Lan, và đồng thời họ cũng tạo nên sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đòi hỏi các DN Việt cần có sự chuẩn bị kỹ càng để vào cuộc nếu muốn tồn tại và phát triển.

Hằng Lê

Tin đọc nhiều