Tham gia các FTA: Cần tư duy cho cuộc chơi mới

14:47 | 05/06/2015

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có 2 Hiệp định mới ký kết là với Hàn Quốc (VKFTA) và Liên Minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA).

Cam kết về mở cửa thị trường là một trong các nội dung quan trọng của hầu hết các FTA mà Việt Nam đã ký kết, với mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ ATIGA mức cam kết nội khối tự do hóa gần 100%.

Như vậy, Việt Nam sẽ phải thực hiện khoảng từ 90% số dòng thuế với thuế suất cuối cùng về 0% vào các thời điểm khác nhau, tùy từng hiệp định. FTA hoàn thành lộ trình sớm nhất là ATIGA (2018), tiếp đó là ACFTA (2020) và AKFTA (2021).

tham gia cac fta can tu duy cho cuoc choi moi
Các FTA đang mở ra cơ hội cho DN, nhưng cũng tạo nên nhiều thách thức

Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc học vụ Tổ chức giáo dục PTI, để chủ động tham gia các FTA nói trên, DN Việt cần xác định rõ tầm nhìn của mình đối với thời điểm nhất định (5 năm, 10 năm), định vị về thương hiệu một cách nhất quán, xây dựng một chuẩn quy tắc hội nhập.

“Chúng tôi thường xuyên nói rằng, để thực sự hội nhập được thì DN cần có tư duy đổi mới toàn cầu và đặt trong nội hàm của cụm từ kỹ năng hội nhập toàn cầu”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, đứng trước “cuộc chơi” FTA đang mở ra, DN sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn là thuận lợi. Các biên độ về thuế nhập khẩu của các nước sẽ giảm xuống. Vì vậy, việc xác định năng lực, giá trị cốt lõi, những điểm ưu trội của tổ chức, DN là điều tối quan trọng. “Tất nhiên cơ hội vẫn có nhiều và diễn ra bình đẳng, vấn đề là chúng ta biết nắm bắt cơ hội đó”, ông Phương khẳng định.

Khuyến nghị các DN về bước chuẩn bị cụ thể cho chiến lược hội nhập kinh tế, chuyên gia đến từ PTI cho rằng, bất kể DN nào khi xây dựng một bản kế hoạch kinh doanh sắc nét đều phải bám vào 3 nền tảng giá trị cốt lõi: Thứ nhất là khả năng phân tích dự báo, độ nhạy về kinh doanh; Thứ hai là xác định vị trí DN, lợi thế trong chuỗi giá trị kinh doanh; Cuối cùng là cần hoạch định một tầm nhìn kinh doanh phù hợp với chiến lược hành động.

Những chuẩn bị mang tính gốc rễ đó là điều kiện tiên quyết để DN Việt Nam có thể chủ động hội nhập thành công, tự tin trước môi trường cạnh tranh nhưng rộng mở, đồng thời đón nhận những cơ hội đang tới. Nhất là khi bước qua giai đoạn gia nhập WTO, nhiều cơ hội đến nhưng DN khó nắm bắt, trong khi thách thức đang ở ngay trước mặt.

Các vấn đề về quản trị rủi ro, quản trị nhân lực, quản lý dòng tiền… luôn là điểm hạn chế của nhiều đơn vị kinh doanh. “Hãy thuộc lòng câu nói, để thành công trong kinh doanh phải trả lời được câu hỏi mình là ai, mình bán gì, mình bán cho ai, mình bán ở đâu, ai bán”, ông Phương khuyến cáo.

Hằng Lê

Tin đọc nhiều