Tham vọng bán lẻ nghìn tỷ

10:34 | 07/01/2019

Trở thành các công ty nghìn tỷ đồng là điều mong mỏi đối với đại đa số DN, nhưng khi đã đạt được cột mốc ấn tượng đó, áp lực để duy trì tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn gấp bội. Điển hình là trường hợp của Công ty cổ phần Thế giới di động (mã cổ phiếu MWG).

Thế giới Di động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh
Thế Giới Di Động hoàn tất thương vụ mua lại Điện máy Trần Anh
Thế giới Di động phát hành thành công 1.135 tỷ đồng trái phiếu

Giá cổ phiếu MWG đã không thể giữ được đỉnh cao và sụt giảm mạnh 20% chỉ trong một năm qua. Mặc dù, kết quả kinh doanh 2018 ước tính của Thế giới di động là rất ấn tượng, nhưng vẫn không làm giảm nỗi nghi ngại của nhà đầu tư về một thị trường điện thoại đang dần bão hòa. Chiến lược phát triển thương mại điện tử cũng gặp nhiều vấn đề khi mà mới đây nhà bán lẻ này quyết định đóng cửa Vuivui.com sau khi đã tốn một khoản đầu tư không nhỏ.

tham vong ban le nghin ty

Trên thị trường kinh doanh chuỗi thực phẩm, Thế giới di động gặp phải nhiều thách thức hơn dự đoán khi áp lực cạnh tranh diễn ra hết sức khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước như Vinmart+, Saigon Co.op Food, Circle +, 7-Eleven, Family Mart...

Hiện chuỗi Bách hóa xanh của công ty này vẫn đang cải tiến theo hướng tăng cường diện tích, bổ sung thêm nhiều mặt hàng mới. Tuy vậy, chuỗi này vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và chưa biết chính xác thời điểm bắt đầu mang lại lợi nhuận dương cho công ty.

Tất nhiên, các nhà lãnh đạo Thế giới di động không thể ngồi yên trong bối cảnh nhiều khó khăn đang bủa vây và giá trị công ty đang suy giảm. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2019 mới được công bố mới đây, có thể thấy những tham vọng cực lớn mà Chủ tịch HĐQT Thế giới di động Nguyễn Đức Tài đặt ra cho đứa con của mình.

Theo đó, Thế giới di động hướng tới mục tiêu hơn 108 nghìn tỷ đồng doanh thu và 3.572 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng trưởng 25,6% và 37% so với kế hoạch năm trước. Làm được điều này sẽ đưa Thế giới di động trở thành nhà bán lẻ đầu tiên đạt cộc mốc doanh thu trăm nghìn tỷ đồng, tương đương với vị trí số 1 trong nước và nằm trong top đầu khu vực châu Á.

Nhưng mục tiêu này là không dễ đạt được khi các đối thủ sẽ không dễ dàng nhường lại thị phần cho Thế giới di động. Việc Vingroup mới đây đã thâu tóm chuỗi Viễn Thông A, hay đồng loạt khai trương 117 cửa hàng Vinmart+ chỉ trong một ngày được xem như một thông điệp cạnh tranh mạnh mẽ. Đó còn lại sự bành trướng của các chuỗi ngoại, sự xâm nhập của các tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới như Alibaba hay Amazon sắp tới đây.

Trong thời gian tới Thế giới di động sẽ đặt cược chủ yếu vào hai chuỗi Điện máy xanh và Bách hóa xanh. Nếu như chuỗi Điện máy xanh về cơ bản vẫn sáng nhờ thị trường điện máy Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số thì trên thị trường thực phẩm, Bách hóa xanh dự kiến sẽ đánh chiếm thị phần từ tay của các chợ truyền thống. Mới đây, chuỗi này đã quyết định thử nghiệm cửa hàng mới có diện tích lên đến 300 m2, đặt gần chợ và các khu vực dân cư đông đúc. Đồng thời chuỗi cũng sẽ được mở rộng ra thị trường các tỉnh lân cận cách TP.HCM 30-40 km như Long An, Đồng Nai, Bình Dương sau khi cửa hàng đầu tiên mở ở Bình Dương thu lượm những kết quả khá tích cực.

Một tin vui cho Thế giới di động là thu nhập của người dân tiếp tục được cải thiện nhờ nền kinh tế đang duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao. Đi cùng với đó là nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm sạch, chất lượng cao của thị trường gần 100 triệu dân gia tăng theo, sẽ mang tới động lực tăng trưởng bền vững cho các mô hình bán lẻ chuyên nghiệp như Thế giới di động.

Nam Minh

Tin đọc nhiều