Thêm đòn bẩy cho doanh nghiệp xã hội

08:59 | 22/05/2015

Khung pháp lý cho sự ra đời của DN xã hội (DNXH) đang dần hoàn thiện hơn khi nhiều quy định khuyến khích hoạt động của loại hình này được đưa ra tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DN.

Mô hình DNXH hoàn toàn mới ở Việt Nam do đó Dự thảo dành dung lượng khá lớn (17 trên tổng số 29 điều) để hướng dẫn về mô hình này. Đánh giá chung của cộng đồng DN và luật sư là các nội dung quy định về DNXH khá phù hợp, có nhiều điểm tốt nhằm tạo hành lang thuận lợi cho quá trình vận hành của DN.

them don bay cho doanh nghiep xa hoi
Các quy định mới trong luật sẽ làm tăng sức hấp dẫn của mô hình DNXH

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế trung ương cho biết, xét về khía cạnh pháp lý DNXH không khác DN thông thường, đều tổ chức theo 4 loại hình và đều là DN hoạt động vì lợi nhuận. Điểm khác nhau nằm ở tính chất hoạt động kinh doanh giữa DN, cách thức DN phân chia lợi nhuận thu được.

Để thúc đẩy DNXH, bản Dự thảo lần này đưa ra nhiều quy định mới, cụ thể về chính sách phát triển đối với DNXH. Cụ thể, DNXH được ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu khi tham gia đấu thầu sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và sản phẩm, dịch vụ xã hội, môi trường; được miễn thuế thu nhập tương ứng với khoản lợi nhuận hàng năm của DN giữ lại để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường; được nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài, từ nguồn vốn ODA không hoàn lại, cũng như các cá nhân, tổ chức hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra, các DN thông thường khi tài trợ cho DNXH thì khoản đó được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của DN.

Đồng tình với các quy định mới nói trên, song ThS. Vũ Phương Đông, Giảng viên Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng góp ý một số điểm cần thay đổi. Đó là Điều 10 Dự thảo quy định về hạn chế thành viên, cổ đông của DNXH muốn chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho pháp nhân, cá nhân khác phải có cam kết tiếp tục thực hiện mục tiêu xã hội của cá nhân, pháp nhân đó. Theo ông Đông, quy định của Dự thảo là không cần thiết, hạn chế quyền tự do của NĐT.

Ông lập luận, khi tham gia thành lập DNXH, các thành viên sáng lập đã cùng nhau thỏa thuận những nội dung về thực hiện mục tiêu xã hội, những nội dung này được ghi vào Giấy chứng nhận đăng ký DN, Điều lệ của DN. Việc thành viên, công ty chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình cho NĐT khác hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra.

Ông Đông cũng cho rằng, nếu các thành viên, cổ đông mới của công ty không có cam kết thực hiện mục tiêu xã hội họ vẫn phải thực hiện theo những quy định tại Điều lệ của DN.

Bên cạnh đó, cách thức quy định về đặt tên, theo ông Đông cũng là chưa phù hợp. Điều 8 Dự thảo quy định cụm từ “DNXH” là cụm từ được bổ sung thêm vào phần tên DN được quy định tại Điều 38, 39, 40, 42 của Luật DN. Cụ thể, trong trường hợp nhà đầu tư lựa chọn mô hình công ty cổ phần, sử dụng cụm từ “Bình Minh” làm phần tên riêng của công ty, hoạt động theo mô hình DN xã hội, tên công ty sẽ được đặt là “Công ty cổ phần DNXH Bình Minh”.

Ông Đông kiến nghị, Dự thảo nên quy định theo hướng đặt tên DNXH bao gồm hai thành tố: Cụm từ “DNXH” và tên riêng, sau đó quy định cụ thể mô hình hoạt động của DN. Theo đó, trong trường hợp trên, tên DN được đặt là “DNXH Bình Minh” hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

LS. Trần Đăng, Trưởng phòng Thủ tục pháp lý, Tập đoàn Vingroup nêu băn khoăn khi Dự thảo chưa quy định về việc chuyển đổi từ quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ sở bảo trợ xã hội sang DNXH. Theo ông Đăng, với các ưu việt của chế định DNXH trong Luật DN mới, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ sở bảo trợ xã hội chắc chắn sẽ có nhu cầu chuyển đổi mô hình hoạt động thành DNXH để được hưởng các ưu đãi của nhà nước.

Đồng thời, về tôn chỉ mục tiêu của DNXH và các quỹ, cơ sở này đều giống nhau cơ bản, chỉ khác về mô hình hoạt động và cơ quan cấp phép, quản lý (DNXH do phòng đăng ký kinh doanh cấp giấy chứng nhận. Các quỹ, cơ sở bảo trợ xã hội do Bộ Nội vụ, UBND các cấp cấp phép tùy theo từng loại). Nếu Dự thảo nghị định quy định về việc chuyển đổi, sẽ tạo thuận lợi cho các quỹ này được chuyển đổi thẳng thành DNXH thay vì phải đợi sửa Nghị định 68/2008 về cơ sở bảo trợ xã hội, Nghị định 30/2012 về quỹ.

Với quy định hiện hành của Nghị định 68/2008, Nghị định 30/2012, các quỹ và cơ sở bảo trợ xã hội không được phép chuyển đổi mô hình. Nếu muốn thì phải đi đường vòng: giải thể quỹ, cơ sở bảo trợ xã hội tại cơ quan cấp phép, sau đó các sáng lập viên phải thành lập mới DNXH theo Luật DN, dẫn tới mất thời gian và không đạt được mục đích của các sáng lập viên là chuyển đổi mô hình hoạt động và kế thừa các hoạt động và tài sản đang có.

Tương tự như vậy, dự thảo cũng chưa có quy định về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập các quỹ xã hội và cơ sở bảo trợ xã hội với DNXH. Trong khi ông Đăng nhận định, cùng với việc chuyển đổi, sắp tới các quỹ này sẽ có nhu cầu sáp nhập vào DNXH để quản lý hoạt động theo mô hình DNXH.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều