Thêm kênh hút khách du lịch ngoại

09:47 | 12/12/2018

Để thu hút du khách đến Việt Nam bằng tàu biển, theo đại diện Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đầu tư xây hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới. Nhiều cảng biển được quy hoạch, đầu tư phát triển thành cảng chuyên dụng có khả năng đón tàu có trọng tải lớn như: Cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng).

ADB hỗ trợ 5 tỉnh phát triển du lịch
Nhìn lại đầu tư hạ tầng hàng hải

Nhiều cơ hội

Việt Nam có lợi thế nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Đông Nam Á, trên tuyến đường giao thông hàng hải giữa Bắc và Nam châu Á, lại nằm gần các trung tâm cảng biển phát triển hiện đại trên thế giới như Hong Kong, Singarpore, Thượng Hải nên dễ tham gia vào các tuyến hành trình ngắn ngày và dài ngày giữa các điểm đến trong khu vực châu Á với các khu vực khác.

them kenh hut khach du lich ngoai
Hạ tầng cảng biển hiện đại, đồng bộ sẽ thu hút nhiều hãng du thuyền lớn đến Việt Nam

Bên cạnh đó, nước ta lại có hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được nhu cầu cập cảng của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới nên hoàn toàn có cơ sở để trở thành điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của nhiều hãng tàu du lịch biển lớn. Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung đưa ra tại Hội thảo quốc tế về phát triển du lịch tàu biển vừa diễn ra mới đây.

Ông Ngô Hoài Chung cho rằng, trong vòng 5 năm từ 2013 - 2018, tổng lượng khách tàu biển thế giới đã tăng khoảng 24% từ 21 triệu lượt lên khoảng 26 triệu lượt năm 2018. Trong đó, lượng khách du lịch tàu biển đến từ khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23%, từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên khoảng 4,26 triệu lượt năm 2018.

Trên thực tế, lượng khách du lịch đến Việt Nam bằng đường biển chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn, chỉ khoảng từ 2-3% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, trung bình đạt khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch tàu biển/năm, với gần 500 chuyến tàu cập cảng. Khách tàu biển đến Việt Nam từ nhiều thị trường như: Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong đó, thị trường nguồn tiềm năng nhất vẫn là khách Trung Quốc chiếm tới 59% tại châu Á, tiếp đến là thị trường Đài Loan (chiếm 9,2%), Singapore chiếm 6,6%, Nhật Bản 6,5%, Hong Kong chiếm 5,7%...

Nếu so với khách du lịch đi bằng đường hàng không và tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam thì tốc độ tăng trưởng khách tàu biển Việt Nam còn khá thấp. Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, hiện tại thời gian lưu trú của khách du lịch tàu biển tại tỉnh Quảng Ninh trung bình chỉ 1,5 ngày, dù Quảng Ninh sở hữu Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cùng hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa, các cảng đón được tàu biển quốc tế (cảng nổi Hòn Gai, Vinashin, Cái Lân, mới thêm Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long).

Giải bài toán khó

Nhiều nguyên nhân được các diễn giả chỉ ra như tại Việt Nam, hệ thống cảng biển ở nhiều địa phương vẫn chưa có sự tách biệt giữa cảng tàu khách và cảng hàng hóa, thậm chí một số tàu khách phải nhường vị trí cho tàu chở hàng. Hành khách phải trung chuyển từ xa để vào cảng…

Thực tế này không chỉ trở thành điểm nghẽn hạn chế sự phát triển của du lịch tàu biển Việt Nam do không tạo được sự tiện nghi trong dịch vụ đón khách, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của điểm đến. Trong khi chi phí xây dựng cảng hành khách quốc tế chuyên biệt là rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu…

Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ tại các cảng biển chưa cao, sản phẩm du lịch biển còn nghèo nàn; Các hoạt động tương tác với du khách trong từng sự kiện chưa cao nên chưa tạo được hiệu ứng mạnh để thu hút du khách và chưa đủ sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp chào bán tour; môi trường xung quanh cảng biển có nguy cơ ô nhiễm, một số cơ chế, chính sách liên quan đến du lịch tàu biển còn nhiều bất cập…

Ông James Ngui, Quản lý cảng S.E. Asia đề xuất, các địa phương nên tổ chức diễn đàn du lịch trên du thuyền; TP. Hồ Chí Minh cần có một bến du thuyền dành cho tàu lớn và cần có một lực lượng chuyên biệt có nhiệm vụ phát triển điểm đến của các chuyến du thuyền.

Các diễn giả cũng đồng tình rằng, Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều thế mạnh về biển, nhất định phải trở thành một quốc gia mạnh về biển. Đó chẳng những là định hướng, mà đã được hiện thực hóa trong Nghị quyết số 36 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” không chỉ khẳng định quan điểm, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, mà Việt Nam phải trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng…

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã xác định phát triển cảng biển chuyên dụng có lợi thế về du lịch tàu biển cũng như đưa du lịch biển đảo là ưu tiên hàng đầu trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung khẳng định.

Để thu hút du khách đến Việt Nam bằng tàu biển, theo đại diện Tổng cục Du lịch, Việt Nam đã đầu tư xây hệ thống cảng biển nước sâu đáp ứng được yêu cầu của một số tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới. Nhiều cảng biển được quy hoạch, đầu tư phát triển thành cảng chuyên dụng có khả năng đón tàu có trọng tải lớn như: Cảng Hòn Gai (Quảng Ninh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế), Tiên Sa (Đà Nẵng)…

Điển hình có tàu Celebrity Millennium vừa cập Cảng Hành khách quốc tế Hạ Long mang theo hơn 2.000 hành khách và gần 1.000 thủy thủ đoàn càng chứng tỏ Việt Nam rất chú trọng đầu tư phát triển hệ thống cảng biển hiện đại, đồng bộ, từ cầu cảng, cầu dẫn, nhà ga hành khách, cơ sở hạ tầng dịch vụ; đến việc tiếp tục cải thiện thủ tục hành chính, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất nhập cảnh; Nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Đồng nghĩa, không chỉ tàu Celebrity Millennium mà sẽ có nhiều hãng du thuyền lớn khác tới khai thác thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, việc các du thuyền đến Việt Nam nhiều hay ít phần lớn phụ thuộc vào cơ sở vật chất tại các cảng cập bến. Tất cả đều nhằm chú trọng cải thiện trải nghiệm chung của du khách.

Đoàn Trần

Tin đọc nhiều