Thị trường bán lẻ: DN Việt nỗ lực cạnh tranh

11:00 | 16/03/2017

Bất chấp sức ép cạnh tranh từ DN ngoại đang gia tăng, theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà bán lẻ trong nước cũng đã có những chiến lược nhằm cạnh tranh sòng phẳng ngay trên sân nhà. 

Bán lẻ trực tuyến: Nhà đầu tư nhỏ không lo thất thế
Cuộc đua mở rộng mặt bằng bán lẻ

Năm 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước ước đạt trên 3,5 triệu tỷ đồng, tương đương 160 tỷ USD, và bằng khoảng 80% GDP. Các dự báo đều cho thấy quy mô của lĩnh vực này còn có thể tăng hơn nữa trong các năm tới. Tuy nhiên, mức độ tăng đang có biểu hiện chậm lại. Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ tiêu này của 2 tháng đầu năm chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ, trong khi năm 2016 tăng 7,6%, còn trước đó năm 2015 tăng tới 9,8%.

Nhưng, thách thức đối với DN bán lẻ Việt không chỉ đến từ sự sụt giảm tăng trưởng của thị trường, mà còn từ sức ép của hội nhập, khi tạo ra nhiều nhân tố thị trường mới, thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ.

thi truong ban le dn viet no luc canh tranh
Siêu thị của DN Việt Nam đã và đang hiện diện tại nhiều khu dân cư

Theo dòng chảy hội nhập, các tập đoàn, DN bán lẻ hàng đầu của nhiều nước trên thế giới đã bằng nhiều hình thức như đầu tư trực tiếp, mua bán sáp nhập… hình thành chuỗi bán lẻ để thâm nhập sâu vào thị trường Việt Nam. Một số thương vụ điển hình như Aeon rót 500 triệu USD đầu tư các đại siêu thị; TCC Holdings (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro; Central Group (Thái Lan) mua lại BigC với giá 1,14 tỷ USD...

Theo đánh giá của Hiệp hội bán lẻ, các DN ngoại đang đổ bộ vào Việt Nam với những chiến lược khác nhau và đang tạo nên làn sóng mới. Theo dự báo, năm 2017 lĩnh vực bán lẻ sẽ còn chứng kiến nhiều DN bán lẻ lớn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Đặc biệt theo lộ trình giảm thuế mà Việt Nam đã cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, dự báo sẽ còn nhiều DN ngoại đầu tư vào Việt Nam hơn nữa trong thời gian tới. Chẳng hạn như sự “đổ bộ” của chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất thế giới 7 Eleven dự báo sắp tới đây sẽ càng làm nóng thị trường bán lẻ.

Tuy nhiên, bất chấp sức ép cạnh tranh từ DN ngoại đang gia tăng, theo đánh giá của các chuyên gia, các nhà bán lẻ trong nước cũng đã có những chiến lược nhằm cạnh tranh sòng phẳng ngay trên sân nhà. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ vừa là thách thức nhưng cũng chính là cơ hội để các DN trong nước nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô và học hỏi sự chuyên nghiệp đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán lẻ.

Trên thực tế, nhiều DN Việt vẫn đang khẳng định được vị thế của mình trên thị trường này, không ngừng mở rộng hiện diện thương mại. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup cho biết, khi đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ, tập đoàn này quyết tâm xây dựng một thương hiệu phân phối thật sự uy tín, đủ tầm kết nối sản xuất nội địa với khách hàng, góp phần xây dựng một nền sản xuất tiêu dùng an toàn, chất lượng.

Theo đó, Vingroup cũng quyết tâm tạo lập một thương hiệu bán lẻ Việt đủ tầm vóc đối trọng với các DN nước ngoài để góp phần bảo vệ và nâng đỡ các thương hiệu Việt khác trong chuỗi sản xuất tiêu dùng.

Hiện Vingroup đang không ngừng nâng cao chất lượng và mở rộng thị phần trên cả nước. Hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiện ích VinMart+ của tập đoàn này đã nhanh chóng trở thành hệ thống bán lẻ hàng tiêu dùng có tốc độ phát triển nhanh và quy mô lớn nhất tại Việt Nam. Trên cả nước đã có hơn 750 cửa hàng tiện ích VinMart+ và hơn 50 siêu thị VinMart. Riêng trên địa bàn Hà Nội đã có hơn 430 điểm kinh doanh của hệ thống này hiện diện ở cả những trung tâm thương mại lớn và trên các tuyến phố, khu dân cư.

Ông Hiệp cho biết, năm 2017 Vingroup dự kiến mở thêm khoảng 70 - 80 siêu thị VinMart cùng khoảng 1.500 cửa hàng VinMart+, đồng thời bắt đầu phát triển rộng hệ thống trung tâm thương mại (trong đó có các siêu thị VinMart, VinPro, VinDS…) về các huyện lỵ để tăng độ phủ của mạng lưới. Kế hoạch của 2017 là VinMart và VinMart+ phải có mặt được ít nhất 30 tỉnh thành.

Tương tự, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng đã giữ vững thương hiệu và thị phần trong lĩnh vực bán lẻ. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Hapro cho rằng, dù sự cạnh tranh trên thị trường bán lẻ là rất lớn nhưng các DN trong nước cũng đã có những bứt phá riêng, tận dụng lợi thế sân nhà để có những phát triển thành công.

Với chính sách ưu tiên hàng Việt Nam và lựa chọn các mặt hàng, thương hiệu Việt Nam uy tín có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh nên sản phẩm của Hapro được người tiêu dùng tin đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Hiện Hapro đã phát triển mạnh hệ thống phân phối gồm 2 trung tâm mua sắm Hapro Shopping Centre; 40 siêu thị; trên 40 cửa hàng tiện ích Hapromart; trên 40 cửa hàng, điểm kinh doanh thực phẩm an toàn Haprofood; trên 100 cửa hàng chuyên doanh điện, điện máy, điện dân dụng, may mặc… tại thủ đô Hà Nội và một số tỉnh, thành phố phía Bắc.

Ông Vượng nhấn mạnh, lợi thế sân nhà cũng như am hiểu thị trường và văn hóa người Việt là yếu tố then chốt giúp các DN Việt đứng vững trên sân nhà. Đồng thời, các DN Việt cũng cần phải theo kịp xu thế hội nhập, mở rộng đầu tư nhằm nâng cao chất lượng và dịch vụ. Có như vậy mới có được chỗ đứng trên thị trường cạnh tranh đầy khốc liệt này.

Bài và ảnh Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều