Thị trường Phần Lan: Cơ hội chưa được khai phá

15:38 | 20/04/2015

Phần Lan được đánh giá là quốc gia có môi trường kinh doanh lành mạnh, trình độ công nghệ cao và đặc biệt là “cửa ngõ” thông thoáng để hàng hóa các nước thâm nhập thị trường các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). 

Song cho đến nay, số DN Việt Nam hợp tác làm ăn với DN Phần Lan đang đếm trên đầu ngón tay. Tại hội thảo “Cơ hội hợp tác với DN Phần Lan” diễn ra ngày 17/4, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, rất ít DN Việt Nam tự tin để đầu tư và kinh doanh tại thị trường này.

thi truong phan lan co hoi chua duoc khai pha
Giáo dục là một thế mạnh của Phần Lan mà DN Việt có thể hợp tác

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Đỗ Đình Khang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn và phát triển công nghệ CKL cho biết, DN hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với thị trường Phần Lan. Một trong những rào cản là năng lực yếu kém về công nghệ. “Sở dĩ DN chúng tôi vẫn chưa hợp tác kinh doanh với các DN Phần Lan là vì hiện nay DN vẫn đang gặp khó khăn ở khâu bảo quản sản phẩm sau thu hoạch”, ông Khang thừa nhận.

Cụ thể, muốn xuất khẩu vải thiều sang Phần Lan thì phải bảo quản tươi được từ 35 - 40 ngày. Tuy nhiên, do trình độ công nghệ bảo quản sau thu hoạch của DN nói riêng và công nghệ trên cả nước nói chung còn quá yếu, hiện DN vẫn ngậm ngùi chấp nhận xuất khẩu vải thiều qua thị trường Trung Quốc - một thị trường đầy rủi ro, cứ được mùa lại mất giá.

Cũng theo ông Khang, thị trường Phần Lan nói riêng và EU nói chung rất khắt khe trong quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nên nếu không cẩn thận, DN Việt rất dễ bị “tuýt còi” vi phạm tồn dư chất bảo quản.

“Nhiều khi, DN cứ nghĩ rằng sản phẩm của mình đã sạch rồi vì trong quá trình trồng trọt, chế biến không phun thuốc sâu, không dùng chất bảo quản quá liều lượng. Nhưng đôi khi họ quên mất một điều là chỉ cần lơ là ở hộp đóng gói sản phẩm xuất khẩu, rất có thể sản phẩm đã bị nhiễm tồn dư kháng sinh”, ông Khang cho biết.

Khó khăn trong bảo quản quả vải chỉ là một trong những ví dụ được DN chỉ ra khi tiếp cận thị trường Phần Lan. Dẫn đến, theo thống kê hiện nay chỉ mới có khoảng 70 công ty Phần Lan đang làm ăn tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2014 giữa Việt Nam - Phần Lan là khoảng 230 triệu euro, trong đó Việt Nam xuất sang Phần Lan khoảng 150 triệu euro, gồm các nhóm sản phẩm như giày da, dệt may, đồ nội thất, dụng cụ văn phòng. Ngược lại, Phần Lan xuất sang Việt Nam khoảng 80 triệu euro máy móc, thiết bị, lâm sản...

Vì vậy, đánh giá về kim ngạch thương mại giữa 2 quốc gia hiện nay, ông Kimmo Lähdevirta, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam cho rằng, mối quan hệ thương mại tốt nhưng kim ngạch thương mại giữa 2 nước vẫn còn dưới mức tiềm năng rất nhiều.

Ông Kimmo cũng cho rằng, các DN Việt Nam nếu muốn kinh doanh tại thị trường Phần Lan thì trước hết phải đảm bảo vượt qua 3 rào cản. Thứ nhất là về ngôn ngữ, các DN Việt Nam phải có vốn tiếng Anh nhất định mới có thể trao đổi hợp tác làm ăn với DN Phần Lan. Thứ hai là DN Việt Nam cần phải hiểu biết về văn hóa của Phần Lan. Và cuối cùng là DN Việt Nam cần phải tìm hiểu luật pháp của Phần Lan để kinh doanh đúng luật.

Ngược lại, Ngài Đại sứ Phần Lan cũng cam kết, các DN Việt Nam khi đầu tư và kinh doanh tại thị trường Phần Lan sẽ được hỗ trợ tương tự như DN Phần Lan. “Đặc biệt, chúng tôi có hệ thống nghiên cứu thị trường từ nhiều năm qua, vì vậy khi DN Việt Nam đến kinh doanh tại thị trường Phần Lan sẽ được hỗ trợ từ hệ thống nghiên cứu này. Và Phần Lan là thành viên của EU, nên khi kết nối được với Phần Lan thì DN Việt sẽ có cơ hội hoạt động tại thị trường châu Âu”, ông khẳng định.

Đánh giá về sự hợp tác của các DN Phần Lan và Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, đến nay kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ là một con số khiêm tốn, vì thông tin hợp tác giữa DN Phần Lan và Việt Nam quá ít. Vì vậy, trong tương lai các DN của hai quốc gia cần phải tăng cường hợp tác hơn nữa. Phát huy những lợi thế của cả hai bên.

“Chẳng hạn như thế mạnh của các DN Phần Lan là công nghệ thông tin và giáo dục đào tạo. Đây là 2 lĩnh vực đang được quan tâm, cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các DN Việt Nam trong thời gian tới”, bà Hằng cho biết thêm.

Từ ngày 12-15/5, phái đoàn DN Phần Lan hoạt động tích cực trong lĩnh vực Giáo dục và Công nghệ thông tin và Viễn thông sẽ đến Việt Nam, tiếp nối cho phần thảo luận mà Thủ tướng Phần Lan đã trao đổi với Thủ tướng Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái. Phái đoàn DN Phần Lan lần này nhằm tìm hiểu cách hoạt động kinh doanh ở Việt Nam như hợp tác với công ty nào, ai sẽ là đại diện cho công ty của họ tại thị trường Việt Nam và đặc biệt là nhu cầu thị trường Việt Nam như thế nào để DN Phần Lan đưa ra quyết định đầu tư.

Trường Sơn

Tin đọc nhiều