Logistics và bài toán thương mại điện tử | |
Sàn thương mại điện tử: Hãy vì người tiêu dùng | |
Thương mại điện tử xuyên biên giới và chiến lược của doanh nghiệp Việt |
Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam bất ngờ gia tăng sức nóng khi nhiều tay chơi mới có tiềm lực tài chính mạnh tham gia. Điển hình là gã khổng lồ ngành viễn thông Viettel sẽ sớm cho ra mắt sàn giao dịch mang tên Voso.vn, hoạt động chủ yếu theo mô hình B2C.
Một ông lớn khác mong muốn tham gia vào thị trường TMĐT là hãng hàng không Vietjet Air. Hãng này mới đây công bố kế hoạch ra mắt một nền tảng TMĐT, cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Vietjet sẽ bắt tay cùng các ngân hàng, khách sạn và các doanh nghiệp để ra mắt dịch vụ trong 2 năm tới, hướng tới khai khác nhu cầu tiêu dùng của gần 30 triệu hành khách Vietjet.
Lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam đang trên đà bùng nổ nhờ nền kinh tế giữ đà tăng trưởng khả quan, đi kèm với tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng. Theo phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt, chi tiêu trực tuyến bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn khá thấp, chỉ khoảng 45 USD/người/năm, trong khi người Thái đã đạt mức 100 USD, Malaysia lên tới 158 USD.
Việt Nam có khoảng 49,79 triệu người dùng trực tuyến, chiếm tỷ lệ thâm nhập 52,5%. Năm 2018, doanh thu TMĐT của Việt Nam ước tính đạt 2,3 tỷ USD, tăng 29% so với năm trước. “Không có nghi ngờ gì nữa, TMĐT Việt Nam sẽ phát triển trong vài năm tới vì dân số Việt Nam được xếp thứ ba trong ASEAN, sau Indonesia và Philippines, tỷ lệ đô thị hóa là 35% sẽ giúp tăng số người dùng internet từ 67% tổng dân số lên 80% vào năm 2020, đi kèm với đó là sự phổ biến ngày càng cao của dòng điện thoại thông minh giá rẻ”, ông MarcDjandji - Giám đốc khách hàng tổ chức của Rồng Việt đánh giá.
Nhưng áp lực cạnh tranh đang cực kỳ khốc liệt khi hàng chục công ty TMĐT không ngừng đốt tiền để chèo kéo khách hàng, giành lấy thị phần. Theo bản đồ TMĐT Việt Nam, người đứng đầu hiện đang là Shopee với tổng lượng truy cập mỗi tháng khoảng 34,5 triệu lượt. Thế giới Di động bất ngờ vượt qua nhiều đối thủ sừng sỏ khác với vị trí thứ hai (30,3 triệu). Đứng thứ ba là Lazada (30,2 triệu). Các vị trí còn lại trong Top 10 lần lượt thuộc về Tiki, Sendo, FPT Shop, Dienmayxanh, Adayroi, CellphoneS và Vật Giá.
Tuy nhiên do phải chiết khấu mạnh tay, đầu tư mở rộng kho bãi, đi kèm với chiến dịch marketing tốn hàng tấn tiền, hiện vẫn chưa có sàn TMĐT nào có lãi. Kết thúc năm 2018, Shopee ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 1.901 tỷ đồng, Lazada tiếp tục lỗ 2.145 tỷ đồng, trong khi Tiki vốn được chống lưng bởi Tập đoàn VNG cũng ghi nhận lợi nhuận âm 756 tỷ đồng trong năm tài chính 2018.
Tất nhiên, đối với lĩnh vực TMĐT, các khoản lỗ trong ngắn hạn có thể chưa phải là thước đo chính xác nhất, mà các yếu tố khác như hệ sinh thái tạo lập được, lưu lượng hàng hóa, lượt khách ghé thăm hay chỉ số lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) mới là các chỉ báo quan trọng khẳng định hiệu quả hoạt động của các DN.
Thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhưng không vì thế mà thiếu đi cơ hội cho các tay chơi mới, đặc biệt nếu họ sở hữu một chiến lược cạnh tranh hợp lý. Theo ông Marc Djandji, bên cạnh sức mạnh tài chính, để thành công trong cuộc chiến khốc liệt hiện nay, một khâu cực kỳ cốt yếu là các DN phải xây dựng hay sở hữu được hệ thống giao nhận hiệu quả.
Hiện các thương hiệu ngoại như Shopee, Lazada... thường thuê các dịch vụ giao hàng của bên thứ ba như: Giao hàng nhanh, Ahamove, Giao hàng tiết kiệm, Kerry Express... Trong khi đó, Viettel đang có lợi thế lớn khi đang sở hữu một trong những hệ thống giao nhận hàng đầu cả nước là Viettel Post – hứa hẹn sẽ thay đổi cục diện về thị phần TMĐT nếu tiếp cận được với mạng lưới khách hàng ở khu vực nông thôn.
Về phần mình, khi bước vào sân chơi TMĐT, Vietjet Air sẽ nhận được hỗ trợ rất lớn từ ngân hàng trong hệ thống là HDBank với mạng lưới khách hàng rộng lớn, đi kèm các ưu đãi về gói hỗ trợ về tài chính. Hãng có thể sử dụng công cụ khuyến mãi, kết hợp với gói combo: mua hàng, tặng vé máy bay Vietjet để có thể hấp dẫn khách hàng.
Nam Minh