Thời cơ đã đến

09:16 | 07/10/2015

Nghiên cứu quá kỹ trước khi ra quyết định sẽ làm NĐT mất cơ hội

61 DNNN đã được CPH trong 6 tháng đầu năm đã phần nào rút ngắn mục tiêu CPH xong 432 DNNN đặt ra trước đây giờ trở thành tham vọng. Có ý kiến may ra hết năm 2016 mới đạt mục tiêu, có ý kiến cho rằng “sẽ muộn hơn”.

thoi co da den
Ảnh minh họa

Những băn khoăn của NĐT

Việc bỏ giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài sẽ quyết định quan trọng tới kế hoạch trước mắt cũng như dài hạn của NĐT. Nhưng như ông Kevin Snowball, TGĐ Công ty Quản lý quỹ PXP Việt Nam thì thông tin này “đến nay vẫn chưa đủ rõ ràng như NĐT mong đợi”.

Đã vậy, Luật Đầu tư quy định tới 167 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, và theo tìm hiểu của NĐT thì luật mới chỉ nới cho NĐT nước ngoài trong 30 ngành. Trên mỗi thị trường cũng đều có cơ chế chính sách bảo vệ các NĐT trong nước, và đặt ra điều kiện nhất định với NĐT nước ngoài. NĐT đang rất mong đợi Việt Nam sớm có sự phân loại thị trường rõ ràng hơn.

“Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là thông tin, vì hiện được cung cấp rất ít. Nếu có đủ thông tin cần thiết, mức giá phù hợp thì các DNNN chắc chắn IPO thành công” theo ông Snowball. Có thông tin rõ ràng về mức giá thực tế, NĐT mới tin rằng mình có cơ hội kiếm lợi nhuận khi tham gia trên thị trường.

Ông Lê Hải Trà, Phó TGĐ thường trực SGDCK TP.Hồ Chí Minh cũng đồng tình và cho rằng, Chính phủ đã cam kết nới lỏng sở hữu của NĐT nước ngoài, nhưng trên thực tế lại có các hạn chế khác, nên NĐT tìm đến với các DNNN là chưa nhiều.

Thời điểm tốt để “mặc cả”

Ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN lại than phiền rằng sự chậm trễ của quá trình CPH DNNN có một phần nguyên nhân do NĐT chiến lược nghiên cứu kỹ quá, đến mức làm mất cơ hội của chính họ. Ông dẫn chứng, năm vừa qua lợi nhuận của BIDV đạt 180 triệu USD, nếu NĐT chiến lược bỏ vốn vào đây tầm 20% thì vừa rồi đã kiếm được mấy chục triệu USD rồi.

Vướng mắc lớn nhất trong CPH DNNN là NĐT chiến lược tham gia quá ít. Về mối quan tâm lớn nhất của NĐT là có được nắm cổ phần chi phối và có tiếng nói tại DN hay không, thì ngay cuối năm 2014, một danh mục phân loại cụ thể ngành nào Nhà nước cần nắm toàn bộ vốn, ngành nào nắm 75%, hay 50-65% và không cần nắm cổ phần chi phối đã được ban hành. Nhưng vốn vẫn không bán được nhiều.“Rõ ràng chúng tôi đưa ra bán rất nhiều nhưng các vị (NĐT_PV) mua ít, rồi lại hỏi sao chúng tôi CPH ít thế?”, ông Muôn nói với NĐT.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cũng khẳng định hiện nay, Chính phủ đã đưa ra các cơ chế tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho NĐT nước ngoài tham gia quá trình CPH DNNN. Cơ chế bán theo lô đã được ban hành, ưu tiên bán một lần với tỷ lệ lớn, ưu tiên cổ đông chiến lược. Cổ đông có quyền yêu cầu DN cung cấp đầy đủ thông tin, có quyền xuống tìm hiểu DN, thuê tư vấn khảo sát DN, đánh giá, rồi mua theo lô. Khi bán theo lô nếu chỉ có 1 NĐT thì có thể thoả thuận giá, bán trên SGDCK để đảm bảo có sự giám sát.

Ngược lại DN đã CPH phải niêm yết trên thị trường nếu đủ điều kiện, nếu không sẽ phải lên sàn Upcom. Những DN đã đủ thời gian niêm yết mà chần chừ sẽ được công bố và xử lý trong thời gian tới. Vấn đề định giá DN cũng được sửa theo hướng đúng giá thị trường thay vì yêu cầu đúng theo giá trị sổ sách như trước đây.

Với tư cách một NĐT đã tham gia thành công vào thương vụ mua cổ phần của DNNN, ông Phạm Quang Dũng, Phó Chủ tịch Tổng Công ty cổ phần Thăng Long động viên NĐT, đây là thời điểm thuận lợi nhất với các NĐT nước ngoài, vì kế hoạch CPH DNNN đang ở giai đoạn nước rút, Chính phủ mở rộng cửa hơn với NĐT nước ngoài. Theo ông, DN nào cần có NĐT chiến lược thì nên kiến nghị lên Chính phủ để có ưu đãi cho NĐT chiến lược.

NĐT nước ngoài có thể đưa ra các thoả thuận trực tiếp. NĐT cũng có thể mặc cả một số quyền lợi với cơ quan quản lý Nhà nước, bởi đây là thời điểm đang có chủ trương tạo mọi thuận lợi nhất cho NĐT.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều