Thời của DN có nền tảng công nghệ tốt

10:00 | 27/04/2015

Nhìn chung, thì bức tranh toàn cảnh ngành hàng gia dụng cho thấy nhiều tín hiệu lạc quan. 

thoi cua dn co nen tang cong nghe tot
Ảnh minh họa

Do vậy, trong năm 2015, nhiều báo cáo đưa ra còn khuyên nhà đầu tư có thể quan tâm đến các cổ phiếu trong ngành, đặc biệt là các DN xuất khẩu hàng gia dụng như gỗ, điện quang và theo dõi sự cải thiện lợi nhuận của các DN sản xuất bột giặt.

Ngoài ra, với sự cạnh tranh trong ngành dự báo sẽ tăng lên, thì các DN có chiến lược tăng giá trị gia tăng của sản phẩm tốt, thương hiệu mạnh với thị phần ổn định, có khả năng cạnh tranh lâu dài, công nghệ sản xuất hiện đại sẽ được ưu tiên lựa chọn.

Đây được xem là điểm khá bất ngờ vì trước đây, phần lớn các DN ngành hàng tiêu dùng trong nước không được nhiều người để tâm đến, bởi thị phần quá nhỏ lẻ, chủ yếu thực hiện gia công, nên không phải là điểm thu hút đầu tư, nếu không nói quá bấp bênh. Tuy nhiên, giới chuyên môn khẳng định, thế cờ đã thay đổi vì các thương hiệu nhỏ đã có chiến lược bài bản.

Đơn cử, để theo đuổi mục tiêu, mỗi năm Mỹ Hảo đều bỏ ra khoảng một triệu USD để đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, mở rộng hệ thống phân phối. Còn hiện tại, Mỹ Hảo vừa đầu tư thêm 10 tỷ đồng cho công nghệ để tiết giảm bớt nhân lực vận hành, trong khi vẫn có thể mở rộng quy mô sản xuất. Chiến lược bán hàng của Mỹ Hảo cũng theo lối "mưa dầm thấm lâu".

Cụ thể, ở mỗi tỉnh, thành, Mỹ Hảo đều tổ chức đội ngũ nhân viên tiếp thị khá hùng hậu để bám sát các cửa hàng, đại lý, mỗi nhân viên phải đảm nhiệm 6 tuyến bán hàng và mỗi ngày phải tiếp cận 40-50 khách hàng. Về chiến lược giá, Mỹ Hảo đang bán rẻ hơn các sản phẩm của các công ty đa quốc gia khoảng 20%. Theo báo cáo của công ty này, thì DN đang nghiên cứu phát triển phân khúc giá thấp hơn để tăng xuất khẩu, lấy ngắn nuôi dài.

Theo lãnh đạo của một công ty chuyên ngành bột giặt, trước những chuyển biến tích cực trong xu hướng giảm giá nguyên vật liệu đi kèm với tiềm năng tăng trưởng của ngành, chiến lược năm nay của công ty là cải tiến công nghệ sản xuất tương đương các đối thủ, nhưng giữ giá thành thấp hơn, tăng thị phần của công ty tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mộng Lân, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vico (thương hiệu bột giặt Vì Dân) chọn con đường gia công bột giặt Ariel cho P&G và xuất khẩu, và hiện doanh thu xuất khẩu của Vico đạt 30 triệu USD/năm. Theo ông Lân, Vico sẽ cải tiến công nghệ sản xuất để tăng thị phần của bột giặt Vì Dân tại thị trường trong nước lên khoảng 20-25%, (hiện nay là 12%).

Thực tế, các DN trong nước khi đầu tư tốt về công nghệ, thì ngay lập tức họ có cơ sở để cạnh tranh ngang bằng và có khả năng đẩy lùi được thị phần của các tập đoàn đa quốc gia. Cũng thuộc nhóm ngành hàng tiêu dùng, lãnh đạo của CTCP Bóng đèn Điện Quang chia sẻ, DN nội hoàn toàn có đủ năng lực để tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao với giá thành phải chăng, hợp lý. Và một ngày nào đó, người tiêu dùng Việt Nam sẽ hiểu điều này và sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng.

Quả thực, có một kết quả mới được công bố gần đây khiến DN phải suy nghĩ, là doanh số của các công ty đa quốc gia đang giảm dần so với một số thương hiệu địa phương trên thế giới.

Ví dụ, Unilever đang phải cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm nội địa ở một số quốc gia. Chính Paul Polman, CEO của Unilever toàn cầu phải thừa nhận, doanh số nửa đầu năm của công ty đã giảm khoảng 5,5%. Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng với Unilever.

Thực tế, lợi thế sân nhà luôn là một trong những yếu tố cơ bản được các DN bản địa sử dụng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trước những DN ngoại thường hơn hẳn về lực và vốn. Đã có không ít DN thành công nhờ điều này. Ví dụ, Xiaomi từ việc nắm được thị trường Trung Quốc mà dần xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài. Giới chuyên gia khuyên rằng, các DN trong nước nên tập trung đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại, đưa ra những sản phẩm chất lượng để tạo ra những điểm mạnh trong việc cạnh tranh.

Vũ Hoàng

Tin đọc nhiều