Thời của ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao

11:00 | 20/02/2019

Đối với nhiều lĩnh vực, thay vì chạy đua theo số lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đang là mục tiêu hướng đến

Giám đốc một DN sản xuất hàng may mặc tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, chuỗi giá trị của ngành dệt may bao gồm nhiều khâu từ thiết kế, tìm nguồn cung ứng nguyên liệu, cắt may, cho đến marketing và phân phối sản phẩm... Mỗi khâu mang tính chất đặc thù riêng biệt, có tính chuyên môn hóa khác nhau. Trong đó, thiết kế được coi là quan trọng nhất, quyết định phần lớn giá trị gia tăng và sự tự chủ của DN ngành may.

thoi cua nganh cong nghiep gia tri gia tang cao
Hiện nay một số DN đã chú trọng hơn vào khâu thiết kế sản phẩm, tạo đà theo xu hướng chung của thị trường thế giới

Trong bối cảnh đẩy mạnh xuất khẩu đi các nước, thì thông tin thị trường là dữ liệu quan trọng cho các ý tưởng thiết kế; nguồn nguyên liệu vừa là yếu tố ràng buộc, vừa là tác nhân giúp phát huy sức sáng tạo của sản phẩm thiết kế. Đối với không ít DN trong ngành, chất lượng của thiết kế định hướng thị trường phân phối và xây dựng thương hiệu. Hiện nay tại Việt Nam, một số DN đã chuyển dần từ CMT (phương thức gia công cắt may đơn giản) sang ODM (phương thức gia công hiện đại) và chú trọng hơn vào khâu thiết kế sản phẩm, tạo đà theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Không riêng gì dệt may, một số ngành sản xuất công nghiệp khác cũng đang có xu hướng tương tự, nhất là khi cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu, nếu không nhanh chóng chuyển mình, DN Việt sẽ bị tụt hậu lại phía sau.

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) cho rằng, hiện Việt Nam chưa có nhiều trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, trong khi các DN cũng chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đến vấn đề này. Thậm chí, nhiều DN cũng chưa hiểu cụ thể CMCN 4.0 là gì, trong khi thế giới đang chuyển mình rất nhanh. Việc tự động hoá và robot đang làm thay công việc của người lao động khiến năng suất vượt trội hẳn, đồng thời sản phẩm đồng bộ, rất ít bị lỗi.

Tại Việt Nam, muốn tồn tại và phát triển bền vững, các DN phải được thực hiện quản trị trên nền tảng số tích hợp tự động hoá; áp dụng sản xuất tự động càng nhanh càng tốt, bởi trong 2 – 3 năm nữa, nếu không tối ưu hóa được quy trình sản xuất cả về thời gian, chất lượng sản phẩm, DN Việt sẽ tự triệt tiêu mình.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 1/2019, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò then chốt khi tăng 10,1%. Quan trọng hơn, nhiều lĩnh vực đang chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn. Dự kiến, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng khoảng 9-10% so với năm 2018. Cụ thể, các nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13%, sản xuất phân phối điện tăng từ 9,5-10%... Đây là những con số đáng mừng cho ngành công nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều chuyên gia nêu quan điểm, để đạt được giá trị gia tăng cao, ngành công nghiệp cần khắc phục nhanh chóng những nhược điểm như tính liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các DN còn yếu, chưa tạo được nhiều mối liên kết theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường... Quan trọng hơn nữa, cũng nên có những ưu đãi đặc thù dành cho các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm công nghiệp; có chính sách ưu tiên đối với những DN có khả năng đáp ứng yêu cầu ở những công trình trọng điểm quốc gia để tạo những đơn hàng lớn cho phát triển ngành…

Trong năm 2019, Bộ Công thương triển khai tích cực Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại các ngành công nghiệp. Trong đó nhấn mạnh, tiếp tục phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều