Thủ công mỹ nghệ cần thêm hỗ trợ

13:50 | 16/11/2015

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, thủ công mỹ nghệ - một trong những ngành có đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo. 

Theo ông Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng, đây cũng là ngành có tỷ lệ giá trị nội địa cao, bởi phần lớn nguyên liệu đầu vào sẵn có tại địa phương. Ngoài ra, phát triển thủ công mỹ nghệ còn góp phần bảo tồn văn hóa, truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh của từng địa phương…

thu cong my nghe can them ho tro
Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, TP. Đà Nẵng

Hiện ở khu vực có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ xây dựng được thương hiệu trên thị trường, sản phẩm được xuất khẩu sang nước ngoài như, chiếu Cẩm Nê, đá mỹ nghệ Non Nước (TP. Đà Nẵng), đúc đồng Phước Kiều, đèn lồng Hội An, chế tác gỗ… (Quảng Nam). Những làng nghề này đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Quảng Nam, TP. Đà Nẵng nói riêng và cả khu vực miền Trung nói chung vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nổi lên quy mô nhỏ, sản xuất chủ yếu ở hộ gia đình, công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu mặt bằng, năng lực quản trị hạn chế…

Theo thống kê của cơ quan chức năng, số cơ sở hoạt động trên 10 năm chiếm 58,1%, nhưng số cơ sở có trên 50 lao động chỉ chiếm 4%, có 73,9% cơ sở có vốn kinh doanh nhỏ, dưới 500 triệu đồng…

Do gặp nhiều khó khăn, kéo theo việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được quan tâm. Ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cơ sở thủ công mỹ nghệ còn xem nhẹ. Chỉ có khoảng 10% cơ sở đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm, 20% cơ sở sử dụng thương hiệu chung của làng nghề, 70% cơ sở còn lại không có nhu cầu vì sợ… tốn kém.

Hệ luỵ gây ra cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ là hiện tượng hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan, gây mất khả năng cạnh tranh của “hàng xịn”. Ngoài những khó khăn trên, nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước cho ngành thủ công mỹ nghệ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Để thủ công mỹ nghệ khởi sắc, có “đất sống” trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo… theo nhiều người cần có thêm những chính sách hỗ trợ cho DN, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

Trong đó, cơ quan chức năng phải tập trung xây dựng chương trình liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối từ khâu cung ứng vật liệu, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ khách hàng; Có những hỗ trợ thủ tục pháp lý cho DN, cơ sở sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Bà Nguyễn Thị Thúy Mai, Phó giám đốc Sở Công Thương, TP. Đà Nẵng cho rằng, việc liên kết trong chuỗi giá trị của các cơ sở sản xuất, DN thủ công mỹ nghệ còn chưa chặt chẽ, rời rạc. Vì vậy, không tạo ra được khả năng cạnh tranh. Trên tinh thần hỗ trợ toàn diện hơn, các cơ quan chức cần điều chỉnh, bổ sung những chính sách sát thực tế, có lợi lớn hơn đối với từng DN, làng nghề.

Về phía các làng nghề, DN sản xuất thủ công mỹ nghệ cũng cần chủ động nâng cao tinh thần tự lực. Trong đó, tăng cường chú trọng kỹ năng quản lý, kinh doanh, lập định hướng, kế hoạch sản xuất; Không ngừng hoàn thiện hình thức, kiểu dáng, mẫu mã, từng bước nâng cao và tiến tới đạt chuẩn về chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Tiến Quang, các cơ sở cần mở rộng quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua website, qua các công ty lữ hành. Thủ công mỹ nghệ cần liên kết với hoạt động du lịch vừa để quảng bá vừa tạo thị trường đầu ra cho sản phẩm; phối hợp với DN hãng lữ hành xây dựng các tour kết nối để du khách vừa tham quan mua sắm, vừa góp phần quảng bá sản phẩm đặc trưng của từng làng nghề.

Nghi Lộc

Tin đọc nhiều