Thủ tục cản trở hoạt động của doanh nghiệp

15:46 | 27/05/2019

Càng làm nhiều, càng làm lớn hơn thì càng khốn khó với thủ tục hành chính, với rất nhiều rào cản, những quy định bất hợp lý.

Những vòng luẩn quẩn

Chúng tôi tới công trình thi công nhà máy bê-tông Trung Hải trong một ngày cuối tháng 5. Đây là dự án xây nhà máy mới với 6 dây chuyền hiện đại của Công ty TNHH Sơn Trường. Thế nhưng cả công trình đang im lìm trong chang chang cái nắng vì vẫn đang chờ giấy phép xây dựng. 300 công nhân được tuyển dụng cũng vẫn đang chờ việc làm.

thu tuc can tro hoat dong cua doanh nghiep
Dự án nằm chờ giấy phép – dự án Nhà máy Trung Hải của Công ty Sơn Trường

“Mỗi ngày công trình chưa thi công, DN mất không 30 triệu đồng tiền thuê máy móc thiết bị, mỗi tháng là 900 triệu đồng. Tính cả tiền thuê đất, tiền lãi vay, một tháng chờ đợi là DN tổn hại 1,5 tỷ”, ông Tạ Quyết Thắng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường cho biết.

Để nhà máy Trung Hải được cấp phép xây dựng, cơ quan chức năng yêu cầu trong hồ sơ thiết kế phải đưa bản vẽ thi công 6 dây chuyền thiết bị. Vì bảo mật công nghệ, phía nước ngoài chỉ cung cấp hồ sơ thiết bị khi đã nhận tiền đặt mua. “Với một, hai dây chuyền, chúng tôi còn xoay xở được tiền, tới 6 dây chuyền thì phải vay ngân hàng. Nhưng ngân hàng chỉ cho vay khi chúng tôi có giấy phép xây dựng!”, ông Thắng cho biết. Các khúc mắc cứ luẩn quẩn như thế... DN đã đề nghị TP. Hải Phòng gỡ khó cho DN như Thủ tướng chỉ đạo, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Sơn Trường là một trong 6 DN tư nhân đầu tiên của Hải Phòng, thành lập từ năm 1991 với hoạt động chính là sản xuất bê-tông. Đến nay, DN này đã có 6 nhà máy sản xuất đang hoạt động, bên cạnh đó, DN còn đầu tư vào nuôi tôm, vận tải. Sơn Trường là nhà thầu chính cho nhiều dự án quan trọng và phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao như cảng Đình Vũ, cảng Cam Ranh, cảng Vũng Áng… Cùng với nỗ lực đầu tư, đa dạng ngành nghề, áp dụng công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến, Sơn Trường từng bước khẳng định năng lực tài chính, thương hiệu trên thương trường, trở thành 1 trong số 500 DN lớn nhất Việt Nam.

Nhưng càng làm nhiều, càng làm lớn hơn thì càng khốn khó với thủ tục hành chính, với rất nhiều rào cản, những quy định bất hợp lý. Nhà máy của Sơn Trường có ở mấy tỉnh khác nhau và cho dù ở đâu, DN cũng nộp tiền thuê đất đầy đủ theo quy định, có khu đất đã nộp tiền thuê đất cho cả 50 năm, nhưng nơi thì 10 năm, nơi thì 11 năm mới được cấp sổ đỏ, nơi thì đã 10 năm không sang tên được nên tiền thuê đất vẫn phải nộp nhưng đất không được dùng…

Tặng trường học phải nộp xác nhận di dân lòng hồ (?!)

Những khổ ải mà doanh nhân Tạ Quyết Thắng và Công ty Sơn Trường trải qua ngày càng bức bối hơn trong cơn nóng tháng 5. Tới nhà máy bê-tông Gia Minh-cơ sở đã đi vào sản xuất được 3 năm, đã nộp thuế đất 1 lần song vẫn chưa làm được sổ hồng, chúng tôi lại có dịp nghe tiếp những câu chuyện bức xúc khác của Sơn Trường: xây nhà máy, mặt bằng giải phóng xong, tiền thuê đất nộp đầy đủ hơn 10 năm, nhưng thành phố thay đổi quy hoạch, DN không được cấp phép xây dựng. Hay chuyện UBND thành phố đồng ý và lại còn đốc thúc DN nhanh bỏ tiền đầu tư cho dự án nuôi tôm công nghệ cao. DN đã bỏ vào đó gần 18 tỷ đồng lập dự án… nhưng lại bị dừng ngang vì chờ thành phố điều chỉnh quy hoạch!

Hay có những khu nhà máy của Sơn Trường thời gian xây dựng chỉ 6 tháng nhưng mất tới 23,5 tháng mới có được giấy phép xây dựng… Ông Thắng kể, cùng căn cứ vào một quy định pháp luật, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho rằng cấp được giấy phép cho DN. Sau đó Sở thay giám đốc mới, vị này lại cho rằng… không thể cấp giấy phép được! Khi DN hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường, được trả lời “cấp sổ đỏ là đúng”, nhưng Sở Xây dựng Hải Phòng lại nói là “không”.

Và còn hàng loạt những câu chuyện “dở khóc dở cười khác”. Đơn cử như chuyện Sơn Trường xây tặng trường tiểu học cho huyện. Đây là công trình lập kỷ lục “nhanh nhất” được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận, nhưng để hoàn thành thủ tục bàn giao ngôi trường này, Công ty Sơn Trường phải nộp 23 loại văn bản giấy tờ. Trong đó có những yêu cầu kiểu như “văn bản thỏa thuận, xác nhận về di dân vùng lòng hồ…”!

Với suy nghĩ, không nói ra thì cứ ỳ trệ mãi, cộng đồng DN cứ gặp khó mãi, doanh nhân Tạ Quyết Thắng đã gửi thư tới Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, đã gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng, tới Diễn đàn Kinh tế tư nhân. Tháng 11/2018, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, và UBND một số tỉnh liên quan giải quyết, kịp thời các kiến nghị của DN; chấn chỉnh, kỷ luật nếu có vi phạm và báo cáo Thủ tướng. Nhưng vẫn rất nhiều những vướng mắc vẫn chưa được giải quyết.

Nghe những đoạn trường thủ tục của Công ty Sơn Trường, doanh nhân nào, DN nào cũng thấy có phần câu chuyện của mình trong đó. Những quy định bất cập hiểu thế nào cũng được, thủ tục phức tạp và cách hành xử đùn đẩy của cơ quan công quyền đang cản trở DN phát triển, ngăn cản ý tưởng mới, đẩy hoạt động của DN vào bế tắc, đẩy cả cơ quan nhà nước lẫn DN rơi vào tình thế “làm không đúng quy định”. Mới đây, chủ một DN tiên phong đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ khoa học công nghệ nói rằng, DN bỏ ra một núi tiền để đầu tư phát triển, nhưng chỉ cần một văn bản pháp luật như luật, nghị định hoặc thậm chí chỉ là thông tư cấp bộ, là DN có thể mất việc, ra đường chỉ sau một đêm...

Chia sẻ với những khó khăn, thậm chí có thể xem là rủi ro đối với DN hiện nay, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết: “Phát triển kinh tế tư nhân thì có lẽ quan trọng nhất là nằm ở các hành xử cụ thể của bộ máy chính quyền, chứ không phải là chương trình mời gọi hay chính sách ưu đãi công bố ở các hội thảo!”.

Tri Nhân

Tin đọc nhiều