Thủ tục thông quan: Lấy dây… tự trói tay mình?

09:15 | 22/04/2015

Thời gian làm các thủ tục thông quan qua hải quan, các công ty kho bãi và của hãng tàu, DN mất khoảng 1 ngày tối đa, còn lại khoảng 12, 13 ngày ở đây dường như là thuộc trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành.

Vừa qua, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã có buổi thảo luận thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu. Đây là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam, tuy nhiên nhiều bất cập về thủ tục khiến thông quan kéo dài không nằm ở hải quan mà ở các cơ quan quản lý chuyên ngành…

thu tuc thong quan lay day tu troi tay minh
Thông quan chậm do bộ chuyên ngành

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM: chỉ số về thương mại qua biên giới là chỉ số rất có ý nghĩa, tác động rất lớn đến cải thiện MTKD và thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, từ đó sẽ tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế, bởi vì chỉ số này tác động trực tiếp đến hơn 300 tỷ USD nhập khẩu và xuất khẩu của các nước trên thế giới. Theo tính toán của OECD, nếu giảm được 1 ngày về thông quan, có thể tiết kiệm cho nền kinh tế trung bình hơn 1 tỷ USD/năm.

“Hiện nay, hàng hoá của DN được xuất khẩu mất 21 ngày để thực hiện các thủ tục, còn với nhập khẩu, DN phải mất 22 ngày mới được thông quan. Chúng ta dự tính sẽ giảm xuống là 13 - 14 ngày trong năm nay và đến nay năm sau giảm tiếp hơn còn 11, 12 ngày. Đây là chỉ số mà chúng tôi cho rằng không hề đơn giản, bởi nó không chỉ phụ thuộc vào hải quan mà qua khảo sát đánh giá thì thấy rằng, cái quan trọng là trước khi thông quan và sau khi thông quan. Chỉ số này nó liên quan đến hầu hết các bộ quản lý chuyên ngành, không chỉ là Bộ Tài chính mà cả Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Y tế, Tài nguyên Môi trường, Khoa học Công nghệ…”, ông Cung nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia dự án GIG (dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện), cho biết, qua khảo sát phản ánh từ phía DN và thực tế thời gian qua về vấn đề này, DN đánh giá rất cao sự chuyển biến của các bộ những năm gần đây. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Nghị quyết 19, phản ánh của DN vẫn còn nhiều vấn đề trong thực hiện.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính tại tài liệu đối thoại với các nhà tài trợ, hiện tại có tới hơn 34% các lô hàng hóa xuất nhập được làm thủ tục thông quan theo chế độ luồng Vàng, nếu tính riêng hàng nhập thì tỷ lệ này sẽ cao gấp đôi. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tỷ lệ hàng luồng Vàng cao như trên là do hàng hoá phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành.

Thời gian trung bình của cơ quan Hải quan chỉ chiếm 0,96% và thời gian tối đa chỉ chiếm 3,2% trong tổng thời gian thực hiện các thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu theo yêu cầu tại Nghị quyết 19 (13 - 14 ngày năm 2015), nghĩa là ít nhất là 96,8% thời gian còn lại là thời gian thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành và thủ tục với các hãng tàu, công ty kho bãi.

Tuy nhiên, theo khảo sát DN của GIG cuối 2014 thì thời gian làm thủ tục của các hãng tàu, công ty kho bãi chỉ là 1 - 2 giờ mỗi nơi. Như vậy, vị chi thời gian làm các thủ tục thông quan qua hải quan, các công ty kho bãi và của hãng tàu, DN mất khoảng 1 ngày tối đa, còn lại khoảng 12, 13 ngày ở đây dường như là thuộc trách nhiệm của các bộ quản lý chuyên ngành.

“Đây là con số rất đáng suy nghĩ. Qua khảo sát năm qua thấy có những tồn tại rất phổ biến ở các bộ quản lý chuyên ngành hiện nay cần phải được nhanh chóng giải quyết, như danh mục quá dài, rộng, không rõ ràng dẫn đến việc dễ giải thích khác nhau. Bên cạnh đó, quy định về thủ tục, giấy tờ nhiều, phức tạp, thủ tục kê khai thủ công. Lại có sự trùng lắp về quản lý, chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với nhau để chia sẻ thông tin và kế thừa kết qủa của nhau… khiến thời gian thông quan kéo dài không cần thiết”, ông Bình cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 19/2015/NQ-CP chỉ có 3 cụm giải pháp rất quan trọng là: (1) cải cách toàn diện, (2) theo thông lệ quốc tế và (3) chuyển mạnh sang hậu kiểm. Các bộ chỉ cần quan tâm đến 13, 14 ngày để triển khai là đã rất tốt. Nếu nghĩ đến cải cách toàn diện thì hãy nghĩ đến việc làm hiện nay đã tối ưu hay chưa hay còn nhiều cách khác đơn giản mà hiệu quả hơn.

Một vấn đề khác các chuyên gia cần lưu ý là các chỉ số đánh giá mức độ cạnh tranh quốc gia được các tổ chức quốc tế thực hiện đã có nhiều thay đổi đáng kể. Mặc dù các chỉ số này chỉ là tham khảo để biết tình trạng của Việt Nam ở đâu so với thế giới để chúng ta cải cách và phục vụ chúng ta là chính chứ không phải vì phấn đấu thành tích gì nhưng cách đo lường của họ rất phức tạp.

“Nếu chúng ta không cải thiện rõ rệt được điều mà họ ghi nhận, thì họ đưa vào kết quả đánh giá về Việt Nam sẽ không chính xác. Điều này không chỉ tác động đến MTKD của Việt Nam mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, một chuyên gia cảnh báo.

Bài và ảnh Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều