Thực trạng các bến xe khách: Thiếu quy hoạch, khó cạnh tranh

09:55 | 10/06/2015

Quy hoạch bến xe ở các địa phương hiện nay đang xảy ra theo hai chiều hướng, một là không có, hai là có nhưng không hiệu quả, mạnh ai nấy làm.  

Các nhà xe thường tự nghiên cứu thị trường, thấy tuyến nào có khách sẽ xin Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cấp phép (xin – cho) dẫn tới cung vượt cầu, nghiêm trọng hơn là hiện tượng thuê bảo kê để phục vụ mục đích tranh giành khách giữa các nhà xe với nhau.

Vì vậy, rõ ràng đang tồn tại sự chồng chéo luồng tuyến, trên một tuyến cấp phép quá nhiều luồng tuyến dẫn đến tranh giành khách. Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thừa nhận điều này.

thuc trang cac ben xe khach thieu quy hoach kho canh tranh
Cần có quy hoạch bến xe hoàn chỉnh

Ông Quyền cho biết, lâu nay do chúng ta vẫn khuyến khích các đơn vị vận tải chọn tuyến theo cơ chế thị trường, tức là các DN tự nghiên cứu thị trường để đề xuất xin cấp phép, dẫn đến bên cạnh mặt tích cực là các bến xe đua nhau cạnh tranh chất lượng phục vụ, là việc mất cân đối giữa các bến. Vì vậy, chúng ta cần phải có quy hoạch bến xe sao cho hiệu quả.

Cũng đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, cần phải có quy hoạch cụ thể, DN sẽ biết tuyến nào được hoạt động để đăng ký hoặc đấu thầu. Tránh tình trạng cứ lập công ty, mua phương tiện rồi chạy chọt, xin xỏ, thậm chí gây áp lực lên cơ quan quản lý để được chạy. Khi được chạy lại giành giật khách, đua tốc độ, dùng “xã hội đen” để cạnh tranh không lành mạnh.

Do vậy, mới đây Bộ GTVT đang soạn thảo dự thảo “Quy hoạch chi tiết phát triển mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh”. Tuy nhiên, với dự thảo mới này, về phần cơ chế tư nhân hóa bến xe, ông Bùi Danh Tú, Phó giám đốc Sở GTVT Yên Bái chia sẻ: “Việc đầu tư bến xe phải hiệu quả người ta mới đầu tư, không hiệu quả thì chẳng ai dám làm. Nếu những thiết chế đưa ra dễ dãi quá, thuận theo lợi thế của DN thì lại dẫn tới hiện tượng cung vượt cầu”.

Ông Nguyễn Lê Minh, Phó giám đốc Sở GTVT Sơn La thì cho rằng, điều trăn trở nhất của tỉnh hiện nay là diện tích rộng lớn, lại khó khăn nên nguồn ngân sách đầu tư bến xe và hỗ trợ cho các tuyến buýt là khá khó khăn.

Trong thời điểm hiện tại, dù có nhiều DN vận tải đề xuất với sở hỗ trợ cho phép DN mở tuyến mới lên Sơn La, nhưng cũng vì điều kiện bến xe khách hạn hẹp nên sở đành phải khước từ mong muốn của các DN này, ông Minh cho biết thêm.

Trong khi đó, việc trao đổi thông tin giữa các Sở GTVT địa phương chưa đảm bảo, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như phiền hà cho DN vận tải. Một số sở GTVT chưa có quy hoạch bến xe cũng gây khó khăn cho các sở khác đề nghị quy hoạch tuyến.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, thời gian tới cần có lộ trình để sắp xếp lại, không thể lộn xộn như hiện nay. Nhà nước công khai minh bạch thì DN cũng sẽ phải làm ăn đàng hoàng, phục vụ hành khách được tốt hơn. Việc này không dễ làm trong ngày một ngày hai nhưng quyết tâm phải làm được, không thể chấp nhận kiểu làm ăn chộp giật, xã hội đen hoành hành nhóm lợi ích thao túng.

Đặc biệt, theo đề xuất trong dự thảo quy hoạch bến xe đang được hoàn thiện, hàng năm các sở GTVT sẽ công bố trên từng tuyến có bao nhiêu xe, lưu lượng xe cần thiết trên tuyến như thế nào để các DN biết được nhu cầu thực tế khi đầu tư tham gia kinh doanh vận tải… Hay khi mở tuyến mới, phải tiến hành đấu thầu, kể cả các tuyến hiện nay có lưu lượng lớn cũng nên đưa ra để nghiên cứu đấu thầu.

“Việc đấu thầu công khai sẽ khiến các DN phải nâng cao chất lượng dịch vụ, lựa chọn được các DN đủ năng lực. Qua đó, vừa tạo ra tính công khai minh bạch, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến và thể hiện được vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Thanh cho biết.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều