Thương hiệu mạnh Việt Nam: Khẳng định giá trị doanh nghiệp

09:40 | 07/08/2019

Xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp  DN trong hoạt động xuất nhập khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia.

Các DN đã nhận thức được giá trị

Những năm qua, nhiều DN Việt đã khẳng định thương hiệu không chỉ trong nước mà còn mang tầm quốc tế như Vinamilk, Viettel, Vingroup, FPT... Không những thế, giá trị của những thương hiệu này cũng được định giá từ hàng triệu đến hàng tỷ USD. Tạp chí Forbes Việt Nam mới đây công bố 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2019 có giá trị thương hiệu đạt hơn 9,3 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp DN trong hoạt động xuất nhập khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia. Việc xây dựng thương hiệu đang được đánh giá là yếu tố quan trọng đối với mỗi DN và đang được các DN Việt Nam đẩy mạnh.

thuong hieu manh viet nam khang dinh gia tri doanh nghiep
Vinamilk có giá trị thương hiệu đạt hơn 2,2 tỷ USD

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hầu hết các DN đều nhận thức được giá trị của thương hiệu ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển của DN. Không những thế, việc xây dựng thương hiệu còn là yếu tố then chốt để DN có thể cạnh tranh tốt với các DN trong và ngoài nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Chính vì vậy, việc quan tâm phát triển thương hiệu mạnh như chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia là hết sức cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Hiện ở Việt Nam đã có rất nhiều DN quan tâm đến thương hiệu và đã khẳng định được năng lực của mình không chỉ trong nước mà vươn ra cả thế giới. Trong 10 thương hiệu dẫn đầu, có các tên tuổi quen thuộc như Vinamilk, Viettel, Sabeco, Vinhomes, Masan Consumer, MobiFone, VinaFone, Vietcombank, FPT và Vincom Retail.

Có thể khẳng định, giá trị thương hiệu mang yếu tố then chốt nâng tầm giá trị của DN. Phần lớn những DN sở hữu thương hiệu mạnh đều có nền tảng tốt, có những bước phát triển bền vững và đạt doanh thu cao trong những năm gần đây. Đơn cử Vinamilk đang khẳng định vị trí số một với 4 năm liền là thương hiệu có giá trị cao nhất Việt Nam năm 2019 (giá trị thương hiệu đạt hơn 2,2 tỷ USD). Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 mới được công bố, Vinamilk đạt doanh thu 27.788 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ so với cùng kỳ năm 2018 tương ứng mức tăng 7,61%. Trong đó, doanh thu thuần quý II/2019 đạt gần 14,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,55% so với cùng kỳ. Đây là quý Vinamilk đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử từ khi công ty thành lập đến nay và thậm chí vượt qua giai đoạn tăng trưởng tốt nhất của ngành sữa vào đầu năm 2017. Việc liên tục được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá và bình chọn trong top đầu của các bảng xếp hạng cho thấy Vinamilk đang nỗ lực để hội nhập sâu vào sân chơi khu vực và toàn cầu.

Xây dựng thương hiệu mạnh là không dễ

Mặc dù có vai trò quan trọng trong hội nhập nhưng việc xây dựng và phát triển thương hiệu vẫn là điểm yếu của DN Việt. Theo khảo sát của Bộ Công thương, hiện nay mới chỉ khoảng hơn 20% DN Việt đầu tư xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các DN chỉ chú trọng đăng ký thương hiệu tại thị trường trong nước, chứ chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt để DN có thể cạnh tranh tốt với các DN trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đến nay thương hiệu vẫn là điểm yếu của các DN Việt. Nhiều DN vẫn chưa quan tâm đến vấn đề này, nhất là đối với các DNNVV. Theo đó, phần lớn các DN Việt là DNNVV còn hạn chế về nhiều mặt như nguồn lực tài chính, quy mô nhỏ, nền tảng công nghệ yếu… nên chưa đủ sức xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Không những thế, nhiều DNNVV còn chưa thực sự quan tâm đến xây dựng thương hiệu bởi lý do tốn kém, lãng phí và chỉ phù hợp với những DN lớn.

Ông Thân Đức Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng đối với mỗi DN, thương hiệu còn được coi là công cụ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng. Khi DN đã có thương hiệu và được khẳng định thì sẽ có rất nhiều lợi thế về thị trường, về phân phối sản phẩm, lợi thế cạnh tranh, phát triển kinh doanh, giá trị khối tài sản vô hình…

Tuy nhiên, để xây dựng được một thương hiệu mạnh, thương hiệu mang tầm quốc gia là sự tạo dựng của cả một quá trình. Đối với những DN khởi nghiệp hay DN có quy mô nhỏ và vừa thì việc tạo dựng được thương hiệu vững chắc trên thị trường là rất khó. Bởi vậy mà nhiều DNNVV hiện nay chưa quan tâm đến việc đầu tư mạnh cho thương hiệu. May 10 có được thương hiệu như ngày nay đã trải qua nhiều năm phấn đấu phát triển cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, giá cả và chăm sóc khách hàng. Để cạnh tranh với các DN khác trong cùng lĩnh vực không có con đường nào khác là phải tạo ra giá trị thương hiệu riêng. Và khi mà muốn có một chỗ đứng lâu dài trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu bền vững là rất quan trọng. Thương hiệu May 10 đã được người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn và liên tục 4 năm được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Có thể nói, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố then chốt cho mỗi DN trong quá trình phát triển và cạnh tranh. Đây không chỉ là vấn đề của các DN lớn mà các DNNVV cũng cần phải thay đổi tư duy về giá trị thương hiệu để sẵn sàng hội nhập với nền kinh tế thế giới, nhất là Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, mở ra nhiều cơ hội cho DN mở rộng thị trường và cạnh tranh trên trường quốc tế bằng thương hiệu riêng.

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, "Vietnam" được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều