Thương hiệu quốc gia: DN băn khoăn lợi ích

12:00 | 16/03/2016

Lợi ích của việc phát triển và được khẳng định thương hiệu có thể lan toả không chỉ với DN lớn mà với cả các DNNVV.

Năm 2016: Thương hiệu MWG có thể ở vị trí số 1
VietinBank: Hành trình vươn tới thương hiệu bán lẻ số 1
Vinamilk: Thương hiệu quốc gia hội nhập toàn cầu

Theo Brand Finance, tổ chức quốc tế chuyên về xếp hạng thương hiệu, giá trị thương hiệu Việt Nam năm 2015 đã tụt hạng so với năm 2014. Ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance cho biết, trong năm 2014, thương hiệu quốc gia của Việt Nam được định giá 172 tỷ USD, xếp hạng 42/100 thương hiệu quốc gia.

Với thứ hạng này, Việt Nam được xếp trên rất nhiều quốc gia như: Colombia, Rumani, Bangladesh và thậm chí bỏ xa Israel, đất nước được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp” vài bậc. Tuy nhiên tới năm 2015, giá trị thương hiệu của Việt Nam đã suy giảm tới 19%, chỉ còn 140 tỷ USD và bị cả 4 nước nói trên vượt qua.

Ông giải thích, một trong những yếu tố làm sụt giảm giá trị thương hiệu của Việt Nam là du lịch. Điểm số của Việt Nam trong lĩnh vực này đã tụt mất 2 điểm, kéo chỉ số sức mạnh thương hiệu đi xuống. Vấn đề nằm ở chỗ cách quảng bá hình ảnh Việt Nam hiện nay không mang tính đồng nhất, quá dàn trải và chưa gây được ấn tượng mạnh mẽ với người nước ngoài.

Sự tụt hạng của thương hiệu quốc gia, chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới các đánh giá về sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam trên thị trường thế giới.

thuong hieu quoc gia dn ban khoan loi ich
Ảnh minh họa

Năm 2015, đã có 63 DN Việt Nam được chọn tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia. Đây là chương trình của Chính phủ giao Bộ Công Thương (do Cục Xúc tiến thương mại trực tiếp phụ trách) là cơ quan thường trực triển khai, nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam là một đất nước có sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) chất lượng cao, uy tín trong cộng đồng DN và bạn bè quốc tế.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, lợi ích của việc phát triển và được khẳng định thương hiệu có thể lan toả không chỉ với DN lớn mà với cả các DNNVV. Ông dẫn chứng, ở Ấn Độ người ta sẵn sàng trả thêm 65% giá để có sản phẩm được xác nhận là thương hiệu quốc gia. Nhiều quốc gia khác thì chấp nhận trả thêm 30% nữa cho các sản phẩm được xác nhận sản xuất ở Thuỵ Sỹ.

Lợi ích đã rõ ràng như vậy, song việc làm thế nào để trở thành thương hiệu quốc gia và thụ hưởng quyền lợi bằng cách nào thì theo phản ánh của các DN lại chưa thật sự rõ ràng.

Một chuyên gia về thương hiệu phân tích, việc lựa chọn ra 63 DN vào chương trình Thương hiệu quốc gia mới chỉ là một nhiệm vụ nhỏ, để xây dựng thương hiệu quốc gia, chúng ta còn phải thay đổi và làm nhiều thứ.

Đó là kết nối du lịch, văn hoá bản địa, để làm sao có sản phẩm đặc thù, xây dựng được chỉ dẫn địa lý... Bên cạnh đó là thu hút đầu tư, kết nối thị trường nước ngoài để mang sản phẩm của Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Về lâu dài, chương trình phải hướng tới tạo dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam năng động sáng tạo, có khả năng cung ứng ra thị trường những sản phẩm chất lượng.

Là một trong những DN được lựa chọn tham gia chương trình, song CTCP Nhựa Bình Minh lại không đặt quá nặng kỳ vọng có thể nổi danh trên thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Bình Minh chia sẻ, trong điều kiện hạn chế mà làm dàn trải, muốn DN nào cũng thành nổi tiếng sẽ khó. Ông cho rằng chương trình nên tập trung lựa chọn một số DN có năng lực, có khả năng phát triển thương hiệu ở tầm quốc tế để trở thành thương hiệu quốc gia điển hình.

“Công ty tôi do đặc thù sản phẩm nên không có định hướng đẩy mạnh xuất khẩu. Vì vậy tôi nghĩ nên chăng trong số các DN phải chọn được DN thực sự có khả năng đại diện cho Việt Nam, làm sao DN đó có thương hiệu, góp phần làm nên hình ảnh Việt Nam. Khi hình ảnh đất nước mạnh thì cũng chính là góp phần quảng bá cho các thương hiệu nhỏ hơn”, ông Ngân bày tỏ.

Khanh Đoàn

Tin đọc nhiều