Thương hiệu Việt Nam 2015: Mười hai năm vẫn chưa tỏ

10:41 | 05/08/2015

Nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao vai trò cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng Thương hiệu Quốc gia. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến mong muốn người dân, DN, khách hàng đối với Thương hiệu Quốc gia.

iều đáng ngạc nhiên là trong khi các quốc gia trong khu vực và thế giới xem việc xây dựng Thương hiệu Quốc gia (THQG) là nhiệm vụ rất quan trọng với mục tiêu cụ thể cho từng thời kỳ, từng giai đoạn thì Bộ Công Thương lại chỉ trưng được hàng tên rất lớn: “Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam”, một khẩu hiệu rất chung chung mà không có một chủ đề nào cụ thể dù chương trình THQG đến nay đã chạy được 12 năm.

thuong hieu viet nam 2015 muoi hai nam van chua to
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa phát biểu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bản đánh giá về chương trình THQG Việt Nam cũng thiếu đi cái “linh hồn” của một báo cáo là những đánh giá về mặt đạt được, mặt chưa đạt được để có phương hướng tháo gỡ cho giai đoạn tiếp theo. Kết quả lớn nhất mà báo cáo này chỉ ra đó là “đã góp phần tích cực tăng cường nhận thức về thương hiệu trong cộng đồng DN cả nước, phát động phong trào xây dựng thương hiệu theo định hướng đúng đắn mà quốc gia vươn tới”.

Bởi vậy, sau khi nghe báo cáo này, người được giao trọng trách điều hành diễn đàn, PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thẳng thắn cho rằng, trong thực hiện còn nhiều việc phải làm. Vì đây là câu chuyện cạnh tranh toàn cầu, là cạnh tranh quốc tế nên để đánh giá kết quả cần phải biết chúng ta đã đạt được mức nào, cái khó nằm ở đâu.

Ông Lại Tiến Mạnh, đại diện Brand Finance tại Việt Nam, đơn vị chuyên đánh giá chỉ số sức mạnh của 58 nghìn THQG lớn nhất thế giới cho biết, năm 2014, Thương hiệu Việt Nam được xác định theo giá thị trường là 172 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2013 (133 tỷ USD). Việt Nam đứng thứ 15 ở châu Á và thứ 6 trong ASEAN. Khi đánh giá giá trị thương hiệu của Việt Nam, tỷ lệ giá trị vô hình của Việt Nam chỉ khoảng 38%, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 53%. Điều này đang tạo ra những lo lắng khi thương hiệu ở các quốc gia bên cạnh đang mạnh hơn chúng ta và như vậy các DN của họ cũng lợi thế hơn chúng ta khi hình thành khu vực kinh tế chung ASEAN.

Tuy nhiên, “chúng ta vẫn có cơ hội để giá trị vô hình ngày càng lớn lên, bởi giai đoạn 2011-2014 tỷ lệ tài sản vô hình của Việt Nam đang lớn dần và tiệm cận dần so với mức trung bình thế giới”, ông Lại Tiến Mạnh nói.

Cụ thể hoá hơn nhiều việc phải làm, ông Mạnh phân tích, thương hiệu sản phẩm không chỉ là một hình ảnh để nhận diện về mặt cảm xúc, mà đó là mối quan hệ giữa người mua và người bán, còn về mặt kinh tế, đó là nguồn thu nhập có giá trị. Còn với THQG, thì phải tạo dấu ấn thương hiệu trên tất cả các sản phẩm thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài và du lịch.

PGS-TS. Nguyễn Quốc Thịnh (Đại học Thương mại) thì cho rằng, hiện có gần 90 nước đang xây dựng THQG. 8/10 thành viên ASEAN đã xây dựng Chương trình THQG với việc xác định định hướng và mục tiêu cho chương trình của mình. Trong khi đó Việt Nam và Thái Lan mới chỉ xây dựng THQG theo hướng chứng nhận cho sản phẩm, nhất là nhóm sản phẩm xuất khẩu.

Ông Thịnh cũng chỉ ra thực tế đại bộ phận các sản phẩm, đặc biệt liên quan đến nông nghiệp khi xuất khẩu ra thế giới chưa được mang thương hiệu của Việt Nam mà mới chỉ mang thương hiệu nhà phân phối. Đây cũng là vấn đề mà Chương trình THQG cần quan tâm để tăng khả năng nhận dạng của người tiêu dùng nước ngoài đến sản phẩm Việt Nam.

“Chúng ta cần một chiến lược dài hạn để mang tính định hướng cụ thể hơn trong đó việc đầu tiên là phải kết nối các sản phẩm đến được với các điểm đến du lịch. Cần xác định tầm nhìn cho giai đoạn đến năm 2040 và 2050 để đạt đến các giá trị đổi mới sáng tạo và năng lực lãnh đạo”, ông Thịnh nói.

Cùng với đó, cần xác lập các định hướng chiến lược cho chương trình THQG làm thế nào kết nối được các giá trị thông qua hoạt động du lịch, truyền thông, phát triển mạnh hoạt động hỗ trợ DN, các chỉ dẫn địa lý và gia tăng uy lực của thương hiệu “Vietnam Value”.

Một số ý kiến thì cho rằng một việc rất quan trọng là nâng cao vai trò cơ quan quản lý Nhà nước trong xây dựng THQG. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến mong muốn người dân, DN, khách hàng đối với THQG.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều