Thương mại bền vững: Việt Nam đang ở đâu?

11:15 | 26/11/2018

Nhờ sự cải thiện ở cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Việt Nam đã có sự cải thiện vượt bậc trong bảng xếp hạng “Chỉ số Thương mại bền vững (TMBV) năm 2018”.

Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững
Doanh nghiệp xã hội: Thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững

Cải thiện tốt, Việt Nam thăng hạng 2 bậc

Trong lần đầu tiên bảng chỉ số được công bố vào năm 2016, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 11/20 nền kinh tế châu Á được xếp hạng. Còn tại lần xếp hạng thứ hai này, thứ hạng của Việt Nam đã tăng 2 bậc, lên thứ 9/20, theo báo cáo “Chỉ số TMBV năm 2018” do quỹ Hinrich Foundation phối hợp với VCCI tổ chức công bố ngày 23/11/2018.

thuong mai ben vung viet nam dang o dau
Ngành da giày – một ngành tham gia vào hội nhập thị trường quốc tế từ rất sớm

“Việt Nam là một quốc gia tiêu biểu với nhiều tiến độ vững chắc hướng tới TMBV. Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế này mà không gây ra nhiều hệ quả ở những phương diện khác”, ông Stephen Olson - chuyên gia nghiên cứu quỹ Hinrich Foundation cho biết.

Chuyên gia này nêu dẫn chứng, trong khi ở một vài nền kinh tế phát triển phương Tây, nhiều người đã đổ lỗi cho sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập là do yếu tố thương mại (và điều này góp phần vào làn sóng phản đối quá trình toàn cầu hóa hiện nay) thì Việt Nam đã kiểm soát tốt yếu tố bất bình đẳng thu nhập này. Chỉ số GINI - công cụ phổ biến nhất trong đo lường mức độ bình đẳng thu nhập – của Việt Nam có xếp hạng thứ 5, nằm trong tốp đầu của bảng chỉ số TMBV 2018.

Chỉ số TMBV đo lường năng lực của một nền kinh tế khi tham gia vào hệ thống thương mại thế giới với cách tiếp cận hướng tới mục tiêu quốc gia và toàn cầu về tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và phát triển nguồn vốn xã hội. Bảng chỉ số vì vậy được đo lường trên ba lĩnh vực trụ cột: Kinh tế, môi trường và xã hội.

Đáng chú ý ở cả ba trụ cột này, Việt Nam đều có sự cải thiện so với xếp hạng 2016. Trong đó ở trụ cột kinh tế, báo cáo ghi nhận Việt Nam đã cải thiện, nhất là các chỉ số về giảm bớt các rào cản thuế quan và phi thuế quan và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng đạt mức điểm cao về mức độ mở cửa thị trường, là dấu hiệu tốt cho thấy sự mở cửa thương mại và trao đổi hàng hóa xuyên biên giới.

Trong khi đó ở trụ cột môi trường, nhờ giảm bớt sự phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên trong xuất khẩu, điểm chỉ báo môi trường của Việt Nam tăng 8 bậc và xếp thứ tám trong bảng chỉ số 2018. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng điểm nhờ vào sự tham gia và cam kết các nghị định quốc tế về môi trường. Nỗ lực này sẽ góp phần đảm bảo tính môi trường bền vững ở quy mô quốc gia.

Ở trụ cột xã hội, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ tám và cao hơn các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Đây là thành quả của việc hạn chế bất bình đẳng và cải thiện tiêu chuẩn lao động (chỉ báo được xây dựng dựa trên việc hạn chế lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và cải thiện quyền của người lao động).

Đơn cử ở trong ngành da giày – một ngành tham gia vào hội nhập thị trường quốc tế từ rất sớm, có đóng góp vào tỷ trọng lớn vào xuất khẩu của Việt Nam và tạo ra nhiều công ăn việc làm thì vấn đề phát triển bền vững không chỉ dừng lại ở khuyến khích nữa mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Bản thân các nhà cung ứng khi đến đặt hàng tại Việt Nam cũng sử dụng các bộ công cụ về phát triển bền vững, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến lao động và môi trường để đánh giá năng lực của các DN Việt trong việc phát triển, mở rộng nguồn cung.

Còn nhiều việc phải làm

“Bên cạnh các cải thiện tích cực, báo cáo xếp hạng lần này cũng chỉ ra những lĩnh vực mà Việt Nam cần tập trung cải thiện trong thời gian tới, nhất là liên quan đến các trụ cột về môi trường và xã hội cũng như những chỉ số thành phần khác liên quan đến hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại trong trụ cột kinh tế”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, các chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để tiếp tục cải thiện hơn nữa để phát triển TMBV. Đơn cử trong trụ cột kinh tế, cần nỗ lực hơn nữa trong đơn giản, giảm trừ các thủ tục, chi phí thương mại liên quan đến cơ sở hạ tầng, hậu cần… Hay trong trụ cột về môi trường, trong khi có cải thiện ở chỉ số thành phần là đã giảm được bớt sự phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên trong xuất khẩu thì chỉ số về tỷ lệ phá rừng và ô nhiễm nguồn nước do yếu tố thương mại và sản xuất lại tăng lên, qua đó kéo giảm điểm thứ hạng chung ở trụ cột này.

Trong khi đó ở trụ cột xã hội, dù tiêu chuẩn lao động đã có cải thiện nhưng để đối phó với tình trạng già hóa dân số bắt đầu diễn ra, cũng như để đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do chất lượng cao như CPTPP hay EVFTA thì vẫn cần tiếp tục tập trung cải thiện hơn nữa. Như trong ngành da giày hiện đang thu hút tới 1,5 triệu việc làm, việc có được các tiêu chí đánh giá để đảm bảo tính bền vững, ổn định lao động là rất quan trọng.

Từ trước tới nay, ngành này chủ yếu mới chỉ tuân thủ theo các bộ chỉ số đánh giá về tiêu chuẩn lao động, môi trường do các nhãn hàng đưa ra mà chưa có bộ chỉ số mang tính quốc gia. Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và các yêu cầu ngày càng cao hơn hiện nay thì sự tham gia, đồng hành lớn hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý là rất cần thiết để nâng cao năng lực của DN Việt nói chung và trong ngành da giày nói riêng.

“Việc có được bộ chỉ số mang tầm quốc gia sẽ không chỉ giúp cho các DN Việt tiếp cận tốt hơn với các khách hàng quốc tế mà còn giúp cho sự phát triển bền vững của chính Việt Nam trong bảo vệ môi trường, xã hội”, bà Xuân nhận định.

Ông Stephen Olson cho rằng, Việt Nam là một trường hợp nghiên cứu điển hình về cả những lĩnh vực mà nền kinh tế đã làm tốt và làm chưa tốt. Học hỏi từ những kinh nghiệm này có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách ở các nước trong khu vực Thái Bình Dương những dẫn chứng hữu ích để thiết lập và thúc đẩy TMBV.

“Đây cũng là kỳ vọng và mục đích mà Chỉ số TMBV – Hinrich Foundation đặt ra. Bởi để hướng tới sự phát triển bền vững, chúng ta không thể tăng trưởng kinh tế bất chấp những hậu quả về xã hội và môi trường. Đất nước nào phát triển kinh tế bằng mọi giá thì đến một giai đoạn nào đó, sẽ gây ra nhiều bất ổn xã hội và cạn kiệt tài nguyên môi trường. Thực tế đó cho thấy, ba yếu tố này phải hỗ trợ lẫn nhau. Điều đó có nghĩa là, những chính sách về xã hội và môi trường phải được phát triển đồng thời với tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Đỗ Lê

Tin đọc nhiều