Thương mại điện tử: Quản lý tốt hơn để phát triển

16:00 | 19/09/2018

Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử (TMĐT) là rất nhanh trong giai đoạn 2013-2017, luôn đạt trên 20%. Nhưng hành lang pháp lý đang có vẻ “hụt hơi” trong lĩnh vực này.

Sàn thương mại điện tử: Trông chờ vào ý thức người bán
Thương mại điện tử thu hút đầu tư

Mua hàng trực tuyến tăng trưởng mạnh

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết từ năm 2013 đến nay, TMĐT Việt Nam có nhiều bước tiến vượt bậc, thị trường TMĐT có nhiều thay đổi, tốc độ tăng trưởng nhanh. Hiện nay, Việt Nam có trên 50 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, vượt mức trung bình của thế giới là 46,64% và đang trở thành quốc gia có tiềm lực mạnh về phát triển TMĐT.

thuong mai dien tu quan ly tot hon de phat trien

Năm 2017, Việt Nam có khoảng 33 triệu dân đã từng tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm. Thị trường TMĐT bán lẻ tăng trưởng nhanh chóng từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên 6,2 tỷ USD năm 2017, đóng góp 3,8% doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Hoạt động TMĐT ngày càng đa dạng trên các thiết bị hiện đại, qua các website và ứng dụng trên nền tảng di động. Việc mua hàng trực tuyến dần trở thành hoạt động phổ biến của người dân, đặc biệt là người tiêu dùng tại khu vực thành thị.

Theo thống kê từ Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số cho thấy, trung bình một người dân mua trực tuyến 186USD/năm (so với chỉ 100 USD/năm 2013); tỷ trọng doanh thu TMĐT chiếm khoảng 3,6% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước. Dự kiến đến năm 2020, quy mô thị trường ước đạt 10 tỷ USD, mua sắm trực tuyến của người dân ước tương đương 320 USD/năm; mức độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam là 20% so với ước tăng trưởng chung của toàn thế giới chỉ 15%.

Cần đánh giá mức tín nhiệm

Các chuyên gia kinh tế nhận định, cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ thì hoạt động TMĐT cũng chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng. Tại Việt Nam hiện này, nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành.

Bên cạnh đó, các vi phạm về TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp. Những vấn đề quản lý TMĐT xuyên biên giới, hay quản lý thuế trong TMĐT và nhiều vấn đề mới khác sẽ là bài toán mà cơ quan quản lý Nhà nước cần tập trung giải quyết trong giai đoạn tới.

Ông Phạm Tấn Đạt, CEO Công ty Fado cho rằng, nếu chúng ta giảm thanh toán tiền mặt, hỗ trợ thanh toán điện tử thì nhiều vấn đề phức tạp của TMĐT sẽ được giải quyết. Ngoài ra,việc kiểm soát, thanh tra cũng chưa chặt chẽ nên dễ dẫn đến các hành vi lừa đảo trong TMĐT.

Để bảo vệ người tiêu dùng qua TMĐT, ông Ngô Đức Minh, Vụ phó Vụ Pháp chế Bộ Công thương cho rằng cần thiết phải có các tổ chức đánh giá tín nhiệm đối với DN bán hàng qua TMĐT để người tiêu dùng tìm đến.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều