Thương mại đối mặt nhiều bất lợi

14:10 | 19/07/2019

Trước diễn biến thương mại 6 tháng, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đứng trước cả yếu tố thuận lợi như có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời cũng có bất lợi là thâm hụt thương mại mạnh hơn với Trung Quốc. Song nhìn tổng thể, sự bất lợi đối với thương mại hàng hoá đang lớn hơn....

Xuất khẩu nông sản sau các FTA: Hiểu rõ để tránh chủ quan
6 tháng, nhập siêu dịch vụ ước khoảng 1,3 tỷ USD
thuong mai doi mat nhieu bat loi
Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục chậm lại

Theo số liệu chính thức vừa được Tổng cục Hải quan công bố mới đây, kết thúc 1/2 chặng đường của năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 243,48 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 122,53 tỷ USD, tăng 7,2%; nhập khẩu đạt 120,94 tỷ USD, tăng 8,9%. Trong tháng 6/2019, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,93 tỷ USD. Kết quả này đã góp phần đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của cả nước trong nửa đầu năm 2019 đạt thặng dư 1,59 tỷ USD.

Mỹ là điểm sáng xuất khẩu hiếm hoi

Ông Đặng Đức Anh - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 3 nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm lại trong 6 tháng đầu năm 2019.

Thứ nhất là do sự sụt giảm của thương mại toàn cầu nói chung. Theo báo cáo WTO, Chỉ số Triển vọng Thương mại toàn cầu hàng quý đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua, quý I/2019 chỉ còn 96,3 điểm.

Thứ hai là xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào khu vực FDI, đặc biệt là một số tập đoàn lớn như Samsung. Kim ngạch xuất khẩu của Samsung thường chiếm khoảng 20-25% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt trên thị trường thiết bị di động toàn cầu, lợi nhuận trong 3 tháng đầu năm 2019 của hãng điện tử này giảm khoảng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Rõ ràng, kết quả kinh doanh không khả quan của Samsung đã góp phần làm chậm lại tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm.

Yếu tố bất lợi thứ ba là xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đặc biệt khó khăn. Một số mặt hàng sụt giảm cả về sản lượng và giá, một số mặt hàng sụt giảm về giá do sự sụt giảm nhu cầu từ thị trường Trung Quốc và các yêu cầu chất lượng đặt ra cho nhóm hàng này ngày càng khắt khe hơn.

Trong bức tranh chung không mấy thuận lợi của thương mại hàng hoá, điểm sáng hiếm hoi chính là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh. 6 tháng đầu năm, quốc gia này tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết tháng 6/2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 27,5 tỷ USD, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 9,2% của 6 tháng đầu năm 2018.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi do các DN thay đổi chuỗi cung ứng để tránh bị Mỹ áp thuế với hàng hoá từ Trung Quốc.

Thời gian tới, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thoả thuận thương mại mới, Việt Nam với lợi thế chi phí lao động thấp, môi trường kinh doanh đang được cải thiện đáng kể sẽ tiếp tục có cơ hội tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, ngoại trừ sự tăng mạnh trong kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ, các thị trường xuất khẩu khác của Việt Nam đều giảm hoặc tăng nhẹ.

Nhiều áp lực cho công tác điều hành

Trước diễn biến thương mại 6 tháng, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đứng trước cả yếu tố thuận lợi như có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời cũng có bất lợi là thâm hụt thương mại mạnh hơn với Trung Quốc. Song nhìn tổng thể, sự bất lợi đối với thương mại hàng hoá đang lớn hơn. Vì vậy cần cẩn trọng trước các diễn biến thương mại thời gian tới.

Ông Đặng Đức Anh dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn sẽ chậm lại do 2 yếu tố. Thứ nhất là động lực tăng trưởng từ phía Samsung còn là ẩn số trước những lo ngại về mức giảm quy mô sản xuất của DN này so với cùng kỳ. Thứ hai, chúng ta còn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc lại sụt giảm.

Đồng thời nhìn rộng hơn ở các thị trường lớn trên thế giới, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực này khó có thể đạt mức tăng cao như cùng kỳ do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp. Các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều gia tăng bảo hộ hàng hóa nông sản thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Về khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, việc đồng nhân dân tệ giảm giá mạnh sẽ tác động không nhỏ đến hàng trong nước. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ rẻ hơn và cạnh tranh với hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng, làm gia tăng thâm hụt thương mại, đồng thời có thể làm gia tăng tình trạng buôn lậu. Đồng nhân dân tệ giảm giá cũng sẽ làm cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là hàng nông, thủy sản của Việt Nam trở nên kém cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc, trong khi đây lại là mặt hàng khó dịch chuyển thị trường.

Ở một góc độ khác, việc gia tăng cơ hội xuất khẩu sang Mỹ cũng là “lợi bất cập hại”, bởi điều này đồng nghĩa với thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gia tăng. Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 39,5 tỷ USD và có thể tăng mạnh hơn trong năm 2019. Trong bối cảnh đó, Việt Nam càng dễ vào tầm ngắm của việc kiểm tra tránh hàng nước ngoài đội lốt vào Mỹ, ảnh hưởng tới các DN xuất khẩu.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, hiện nay cơ quan này đang phối hợp các bộ, ngành khẩn trương đề ra giải pháp loại trừ gian lận thương mại với các sản phẩm mà DN trong nước sơ chế giản đơn để xuất khẩu đi. Đây là vấn đề cần tập trung chỉ đạo điều hành trong thời gian tới, nếu không sẽ bị Mỹ đưa ra trừng phạt kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất lớn tới cục diện chung của thương mại hàng hoá.

Theo ông Lâm, vướng mắc hiện nay là chưa có quy định rõ ràng như thế nào là gian lận thương mại trong việc nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất sơ chế, lắp ráp, bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo hiện nay cơ bản vẫn là nhập khẩu để lắp ráp.

Trước diễn biến thương mại 6 tháng, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đứng trước cả yếu tố thuận lợi như có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đồng thời cũng có bất lợi là thâm hụt thương mại mạnh hơn với Trung Quốc. Song nhìn tổng thể, sự bất lợi đối với thương mại hàng hoá đang lớn hơn. Vì vậy cần cẩn trọng trước các diễn biến thương mại thời gian tới.

Nhìn rộng hơn ở các thị trường lớn trên thế giới, xuất khẩu nông sản được dự báo sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức, khiến khu vực này khó có thể đạt mức tăng cao như cùng kỳ do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và các nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều