Thương mại nội địa: Loay hoay phát triển thị trường

09:49 | 02/02/2017

Nếu chúng ta không có các chính sách tạo thuận lợi cho các DN sản xuất và phân phối trong nước tham gia thị trường thương mại nội địa, thì không xa, hàng hoá của nước ngoài sẽ chi phối thị trường này.

Mối quan hệ DN FDI – DN nội địa và vũ điệu ba người
Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa

Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), trong tổng mức lưu chuyển hàng hoá tại thị trường nội địa, kinh tế nhà nước chiếm khoảng 10%, ngoài nhà nước khoảng 86%, DN FDI khoảng 4%. Về tham gia thị trường, DNNVV, siêu nhỏ chiếm hơn 90% tổng số DN. Tuy nhiên, hiện nay nhóm DN này đang gặp khó trong việc gia nhập thị trường.

thuong mai noi dia loay hoay phat trien thi truong
Hàng hoá nội địa đang có nguy cơ bị chi phối

Về phân phối, PGS-TS. Hoàng Thọ Xuân, Viện Nghiên cứu Thương mại, cảnh báo, đối với Việt Nam, để dẫn dắt và lôi cuốn hàng triệu hiệu tạp hóa, cửa hàng nhỏ lẻ của hộ kinh doanh vào môi trường hội nhập và phát triển, cần phải có chính sách hỗ trợ, nâng đỡ thiết thực, cả từ phía Nhà nước lẫn các DN “đàn anh”. Nếu không nhanh, “miếng bánh” còn lại này sẽ rơi nốt vào tay các nhà đầu tư FDI.

Mới đây, theo báo cáo của Bộ Công Thương về tình hình thương mại trong nước của Bộ Công Thương, năm 2016, các doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại…

Báo cáo nhấn mạnh, chính điều này dẫn tới sự gia tăng cạnh tranh đối với DN trong nước do sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ các nước nhờ giá thành rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng, cũng như từ các nhà cung cấp nước ngoài.

Theo TS. Lưu Đức Hải, Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), mặc dù, về tổng thể thị trường nội địa Việt Nam không phải là quá lớn nhưng do cơ cấu thị trường rất phong phú về chủng loại, chất lượng, mẫu mã nên sẽ phải nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa hiệu quả.

Điều này cho thấy, việc nghiên cứu phát triển thị trường nội địa Việt Nam (mô hình phát triển, hình thức tổ chức kinh doanh...) phải tính đến các đặc thù của từng ngành, sản phẩm cụ thể. Có nghĩa là phát triển thị trường nội địa đối với những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh phải tính tới cả xuất khẩu các sản phẩm đó, còn đối với các sản phẩm trong nước chưa sản xuất được, phải tính đến cả việc phải nhập khẩu.

Thực tế những năm qua cho thấy, việc khai thác quy mô của thị trường nội địa còn một số bất hợp lý trên cả hai khía cạnh: Thứ nhất, khá nhiều sản phẩm thuộc các ngành dệt may, chế biến thực phẩm, sản xuất các sản phẩm phụ trợ bị xem nhẹ hoặc bỏ ngỏ thị trường nội địa trong một thời gian rất dài;

Thứ hai, rất nhiều sản phẩm lại quá chú trọng đến thị trường nội địa nên dẫn đến sản xuất dư thừa. Đây là hệ quả của chính sách khuyến khích thay thế nhập khẩu tồn tại trong một thời gian dài dẫn đến nhiều ngành quá chú trọng đến thị trường nội địa, khiến không ít ngành có quy mô sản xuất đã vượt quá nhu cầu trong nước. Cả hai xu thế trên đều làm giảm hiệu quả và tính bền vững trong phát triển của nền kinh tế.

TS. Trịnh Thị Thanh Thuỷ, Viện Nghiên cứu Thương mại, nhận định, các nhà phân phối trong nước chưa bắt kịp với sự đổi mới của nền kinh tế, còn mang nặng lề lối làm ăn cũ. Trong lưu thông phân phối, đặc biệt ở các chợ vẫn tồn tại nhiều vấn đề đòi hỏi phải giải quyết như vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm, buôn lậu, trốn thuế, hàng giả hàng nhái.

Ngoài ra, để thâm nhập tốt thị trường nội địa, bản thân hàng hóa của Việt Nam cũng phải thay đổi về chất lượng, mẫu mã, giá cả để phù hợp với thị hiếu của người Việt.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều