Thủy sản nghẽn lối vào siêu thị

13:00 | 04/10/2018

Thủy sản vừa bắt nhịp được vào thị trường nội, lại gặp khó ở văn bản pháp quy, khiến doanh nghiệp khó đưa hàng vào siêu thị.

Hội chợ các sản phẩm thủy sản tại Hà Nội
VIETSTOCK 2018: Kết nối thị trường tiềm năng cho các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản
thuy san nghen loi vao sieu thi
Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), trong 5 năm trở lại đây, rất nhiều DN chế biến thủy sản xuất khẩu vừa tập trung chế biến hàng xuất khẩu vừa kết hợp sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa. Sự quan tâm đến sản phẩm thủy sản đông lạnh của người tiêu dùng trong nước được thể hiện ở cơ cấu tiêu thụ sản phẩm thủy sản đã thay đổi mạnh: Trước đây, nước mắm chiếm đến 50% sản lượng và 31% giá trị, hàng thủy sản đông lạnh chiếm chưa đến 13% (còn lại là nhóm sản phẩm cá khô, bột cá, mực, tôm khô…);

Hiện nay, hàng thủy sản đông lạnh đã tăng trưởng mạnh, chiếm trên 50% về sản lượng và gần 85% giá trị. Sản phẩm thủy sản chế biến trên thị trường nội địa ngày càng đa dạng về chủng loại, với chất lượng và giá bán được nâng cao hơn. Số lượng DN chế biến thủy sản nội địa cũng tăng nhanh, cơ cấu giữa chế biến truyền thống và chế biến đông lạnh cũng thay đổi để sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của thị trường nội địa.

Cùng với thói quen của người dân là sử dụng thủy sản tươi sống, mua tại chợ truyền thống, thì hiện nay sản phẩm thủy sản đông lạnh tại các kênh mua sắm hiện đại cũng đang được tiêu thụ mạnh với doanh số trung bình trên 500 tỷ đồng/năm/DN (quy mô vừa và nhỏ) tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Và đây cũng là kênh mua chính của người tiêu dùng đối với sản phẩm thủy hải sản đông lạnh và chế biến sẵn. Bởi hệ thống bán lẻ hiện đại có điều kiện bảo quản tốt nhất cho thủy sản đông lạnh đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhưng hiện tại, đây lại là thách thức lớn của DN, khi hàng loạt các siêu thị trong nước đặt yêu cầu tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep cho biết, các DN chế biến thủy sản vẫn chưa có được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm vào siêu thị trong quý IV/2018, nên rất băn khoăn, bởi đây là mùa mua sắm cao điểm cuối năm. Nguyên nhân là do những khúc mắc giữa các hệ thống siêu thị với DN và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm (giới chuyên môn gọi là Giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu MRPL).

Cụ thể, đối với hàng thủy hải sản xuất khẩu vào EU, nếu kết quả phân tích lô hàng có chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm thấp hơn mức MRPL quy định, thì được phép nhập khẩu và không bị cấm sử dụng làm thực phẩm.

Ở thị trường nội thì khác, vì Việt Nam mới chỉ ban hành mức Giới hạn tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng (mà chưa có MRPL) nên các siêu thị trong nước không chịu chấp nhận các lô hàng thực phẩm có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm, mặc dù dư lượng của các chất này trong sản phẩm rất thấp, nằm dưới ngưỡng MPRL quy định của EU, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Việc này đến nay vẫn còn vướng mắc và DN chế biến thủy hải sản đang rất lo lắng. Vasep cũng đang kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, sớm ban hành các văn bản pháp quy nhằm giúp tháo gỡ cho DN thủy sản, để các DN kịp thời gian ký được hợp đồng với các siêu thị vào đầu quý IV/2018, đưa được hàng vào hệ thống tiêu thụ của các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ thời gian tới.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều