Tiếp cận CMCN 4.0: Doanh nghiệp cần thay đổi tư duy

10:00 | 12/10/2017

Từ nhiều năm qua, trong định hướng triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng đã chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Thành phố đã chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ trong chiến lược phát triển. Nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin… 

Gỡ nút thắt thu hút đầu tư
Bắt kịp CMCN 4.0 không thể thiếu DNTN

Chủ động từ chính quyền…

Để có kết quả đó, Đà Nẵng đã nỗ lực rất lớn trong đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ để ứng dụng trong công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Cùng đó, đầu tư nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, xây dựng và hướng đến mô hình chính quyền điện tử. Thông qua lộ trình triển khai dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2017 – 2020 với mục tiêu đáp ứng khoảng 780 dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN.

tiep can cmcn 40 doanh nghiep can thay doi tu duy
CMCN 4.0 vừa là cơ hội cũng là thách thức lớn đối với địa phương và DN

Đồng thời, triển khai thí điểm cổng thanh toán trực tuyến phục vụ tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí qua mạng kết hợp ngay khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trong năm 2017. Theo UBND TP. Đà Nẵng, các dịch vụ trực tuyến phải dựa trên nguyên tắc tích hợp hệ thống thông tin chính quyền điện tử, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn để kết nối, liên thông với cổng dịch vụ công trực tuyến của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương khi có yêu cầu.

Về hạ tầng phục vụ DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, thời gian qua Đà Nẵng tập trung đầu tư khu công nghệ cao, với quy mô 1.010ha đến nay cơ bản hoàn thành. Mục tiêu sẽ thu hút các nguồn lực công nghệ cao trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghệ cao. Gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Thúc đẩy đổi mới, ươm tạo công nghệ, DN công nghệ cao và phát triển thị trường khoa học, công nghệ.

Đồng thời, hình thành để phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Đây là cơ hội để DN tiếp cận một hạ tầng đầy đủ tiện ích về công nghệ để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng CMCN 4.0.

Đến doanh nghiệp

Đà Nẵng đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho việc bước vào kỷ nguyên “số”. Mà trước hết là mang lại hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, cùng với việc hỗ trợ DN, người dân thuận lợi hơn trong các giao dịch công. Cùng với chính quyền, các DN cũng có sự chuẩn bị riêng để sẵn sàng cho hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện Đà Nẵng có hơn 19.000 DN. Trong khi, mục tiêu phát triển đến năm 2020, Đà Nẵng có từ 40.000 đến 45.000 DN, có nhiều DN lớn, đủ mạnh để vươn ra khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV TP. Đà Nẵng nhận định. DN cần xác định rõ mình ở đâu trong cuộc CMCN 4.0. Nghĩa là muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, sống còn với thị trường, không còn cách nào khác, từng DN phải đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào công tác quản trị điều hành DN.

Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thép Dana-Ý cho hay. Kinh tế Việt Nam bước sang giai đoạn mới của sự hội nhập sâu rộng với thương trường quốc tế. Xác định chiến lược phát triển DN lâu dài thì phải đầu tư để tương thích với sự phát triển. Hơn 2 năm qua, Thép Dana-Ý chủ động đầu tư hơn 800 tỷ đồng đổi mới dây chuyền sản xuất theo công nghệ châu Âu.

Hoạt động đầu tư này, vừa tiết kiệm năng lượng, đảm bảo môi trường, sản phẩm vừa đạt tiêu chuẩn xây dựng các công trình có quy mô hiện đại. Để chuẩn bị cho việc thích ứng với kỷ nguyên 4.0, DN đã tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực với trình độ chuyên môn cao, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động sản xuất, quản trị điều hành DN.

Theo các chuyên gia, để bắt kịp CMCN 4.0, DN phải thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất thuần túy, chủ yếu sản xuất dựa trên số lượng, sang tư duy sản xuất theo chất lượng, gắn với chuỗi giá trị sản xuất công nghệ cao.

Còn đối với địa phương, cần tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin – truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và DN dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Bài và ảnh Công Thái

Tin đọc nhiều