Tiếp sức cho hộ kinh doanh nhanh lớn

13:14 | 23/08/2019

Khi đã đưa ra được các cơ sở có tính khoa học để phân biệt loại hình này, mới thực sự đảm bảo được địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, hay còn gọi là DN một chủ/DN cá thể...

Để chính sách chạm tới hộ kinh doanh
Dự luật Doanh nghiệp: Tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh
tiep suc cho ho kinh doanh nhanh lon
Việc ghi tên hộ kinh doanh có đủ để chính thức hoá được khu vực này?!

Chính phủ vừa thống nhất chủ trương tách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) thành dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật DN (sửa đổi) do nội dung sửa đổi nhiều, quy mô lớn, cần xác định rõ phạm vi và tạo thuận lợi trong áp dụng pháp luật. Đặc biệt đối với Luật DN, Chính phủ yêu cầu cần có khung quy định cụ thể về hộ kinh doanh để tạo địa vị pháp lý cho đối tượng này. Điều đó cho thấy quyết tâm hỗ trợ hộ kinh doanh đang được củng cố bằng những hành động cụ thể hơn thông qua việc xây dựng pháp luật.

Hộ kinh doanh đã “ẩn mình” trong luật?!

Tại dự thảo mới nhất, khái niệm hộ kinh doanh đã được bổ sung vào đối tượng điều chỉnh của Luật DN. Đồng thời, bổ sung một chương riêng về hộ kinh doanh theo hướng tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình pháp lý khác là DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong Tờ trình dự thảo, đây là hình thức kinh doanh phù hợp với hoạt động kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ, đơn giản, nhanh nhạy; tạo điều kiện cho gia đình có cơ hội kinh doanh nâng cao đời sống; xóa bỏ tất cả các hạn chế đối với hộ kinh doanh; không ép buộc hành chính hộ kinh doanh phải chuyển thành DN hoặc xóa bỏ hình thức hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của các chuyên gia pháp luật, những nội dung được đưa vào dự thảo luật hiện tại mới chỉ dừng lại ở việc ghi danh hộ kinh doanh, coi đó là một loại hình DN trong luật. Đồng thời, nếu khung pháp luật điều chỉnh hoạt động hộ kinh doanh chỉ dừng lại ở đó thì sẽ khó có thể giải quyết những vấn đề vướng mắc của loại hình này, từ đó làm giảm ý nghĩa của việc chính thức hoá các hộ kinh doanh.

Ông Lê Duy Bình - chuyên gia kinh tế Economica Vietnam phân tích, trước hết việc quy định về hộ kinh doanh trong luật sẽ làm phát sinh một lượng chi phí khổng lồ, đặc biệt là chi phí tuân thủ, đối với khu vực hộ kinh doanh cá thể và đối với nền kinh tế, trong khi các lợi ích kinh tế và xã hội của chính sách trong ngắn hạn là nhỏ và còn mơ hồ.

Bên cạnh đó, trên thực tế Luật DN đã quy định một loại hình DN được thiết kế để thay thế cho hình thức hộ kinh doanh cá thể, đó chính là DN tư nhân (đáng ra phải được gọi tên là DN một chủ hay DN cá thể). Vấn đề cần giải quyết chính là đưa ra khái niệm, đặc điểm và cơ sở có tính khoa học về pháp lý đối với loại hình DN này so với các loại hình khác như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh… Khi đã đưa ra được các cơ sở có tính khoa học để phân biệt loại hình này, mới thực sự đảm bảo được địa vị pháp lý của hộ kinh doanh, hay còn gọi là DN một chủ/DN cá thể.

Một số ý kiến cũng cho rằng, trên thực tế khái niệm hộ kinh doanh đã “ẩn mình” trong luật từ lâu nay; song vì chưa được gọi tên cụ thể nên chúng ta vẫn coi đó là khu vực không chính thức. Vì vậy, khi thực hiện động tác ghi danh “hộ kinh doanh” vào luật, cơ quan quản lý chỉ làm thêm việc chỉ mặt đặt tên đối tượng này, mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề chính thức hoá các hoạt động kinh doanh để tính đúng, tính đủ quy mô của nền kinh tế.

Khung pháp lý phải tạo điều kiện để tận dụng cơ hội kinh doanh

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, việc ghi tên hộ kinh doanh hoàn toàn là vấn đề kỹ thuật, đặt quy định ở đâu không quan trọng, quan trọng nhất là khung khổ pháp lý đối với đối tượng này như thế nào. Vì vậy vẫn cần quay trở lại với câu hỏi là tại sao các chủ hộ kinh doanh không lựa chọn hình thức DN tư nhân khi đăng ký DN mà lại lựa chọn hình thức hộ kinh doanh cá thể; và đâu là biện pháp để xóa bỏ những trở ngại đó.

Mặt khác, theo ông Hiếu, cũng không thể tiếp cận đối tượng hộ kinh doanh theo hướng bắt buộc họ phải đăng ký DN. Thực tế, pháp luật hiện hành đã có các quy định khuyến khích, tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Do đó, việc xóa bỏ hộ kinh doanh hay bắt buộc họ chuyển thành DN đều không hợp lý.

Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO chia sẻ quan điểm, từ năm 2000, đặc biệt là từ 2006 và 2014 trở đi, mọi điều kiện thành lập và hoạt động của DN nói chung, DN tư nhân nói riêng đã được xoá bỏ. Điều kiện thành lập DN tư nhân và công ty gần như bằng không và không khác gì với việc thành lập hộ kinh doanh.

Đặc biệt Luật DN năm 2005 và 2014 cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên là cá nhân. Vì vậy sự tồn tại và phát triển của hộ kinh doanh như là DN mà không được thừa nhận là do sự khiếm khuyết của pháp luật. Ông cho rằng, 3 Luật DN năm 1999, 2005, 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác vẫn tiếp tục quy định về hộ kinh doanh một cách quá sơ sài, dễ dãi, đơn giản, nên đương nhiên đã trở thành sự lựa chọn chủ yếu trên thực tế.

Hiện nay trên cả nước có khoảmg 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký và 3,4 triệu hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, câu chuyện ghi danh hộ kinh doanh vào luật không quá quan trọng. Thay vào đó phải có cách quản lý phù hợp đối với các đối tượng này. Ông khuyến nghị giải pháp, phải thừa nhận hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh đã đạt đến quy mô nhất định là DN; tức là 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh là một loại hình DN.

Đối với 3,4 triệu hộ kinh doanh còn lại, vì quy mô nhỏ, vẫn được kinh doanh mà không buộc phải đăng ký. Về cơ bản, cần bảo đảm cho hộ kinh doanh vẫn thực hiện nghĩa vụ như hiện nay, đồng thời áp dụng những chính sách tốt hơn, gia tăng quyền lợi hơn cho đối tượng này, chẳng hạn không quy định giới hạn ở một địa điểm kinh doanh và chỉ được thuê dưới 10 lao động.

Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra cho ban soạn thảo là phải tính đến các giải pháp chính sách khác để các hộ kinh doanh cá thể nâng cao tính chính thức. Đồng thời pháp luật phải tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân tận dụng các cơ hội kinh doanh.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều