Tiếp thị trực tuyến: Giải pháp sống còn của DN

16:00 | 05/09/2018

Tại diễn đàn TMĐT diễn ra mới đây ở TP.HCM, các chuyên gia khuyến cáo để tạo lòng tin cho khách hàng, DN phải minh bạch truyền thông về thương hiệu và sản phẩm. 

Người Việt sử dụng truyền thông để mua sắm
DN và xu hướng quảng cáo trực tuyến

Ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) khẳng định, sau 20 năm internet vào Việt Nam, đến nay thương mại điện tử (TMĐT) đang có tốc độ phát triển rất nhanh. Xu hướng bán hàng ngày càng đa dạng, các DN phải tiếp cận cũng như phát triển tiếp thị trực tuyến song song với hình thức tiếp thị truyền thống để tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng, đồng thời tạo nên lợi thế cạnh tranh khác biệt so với đối thủ.

tiep thi truc tuyen giai phap song con cua dn
Thách thức đối với các nhà marketing là việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng

Theo thống kê của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Các DN ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các DNNVV chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với DN chi dưới 10%.

Điều này cũng dễ hiểu khi Việt Nam chỉ đứng sau Singapore về tổng thời gian người dùng trực tuyến. Số người dùng điện thoại di động tại Việt Nam chiếm 95% dân số, trong đó điện thoại thông minh chiếm đến 78%. Cụ thể hơn, có đến 79% người dùng xem sản phẩm trên ứng dụng di động hoặc website. Và 75% dùng điện thoại thông minh để tìm kiếm thông tin về sản phẩm trước khi mua hàng.

Theo Nielsen, đến 2020, cứ 100 người Việt Nam sẽ có 55 người kết nối với Internet. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thế hệ người dùng không chỉ có cường độ sử dụng Internet càng ngày càng dày đặc mà còn tiếp xúc với nhiều mạng xã hội và tìm hiểu thông tin trên nhiều kênh khác nhau. Điều này tác động lớn đến hành vi ra quyết định của người dùng.

Chính vì vậy, hiện nay nhiều DN siêu nhỏ đã tận dụng được mạng xã hội và TMĐT để bán hàng đi nhiều quốc gia, giúp giảm bớt khâu trung gian và chi phí, từ đó đem hàng hóa trực tiếp đến tay người tiêu dùng và đạt lợi nhuận cao nhất. Trên thực tế, thị trường cũng ghi nhận một số lĩnh vực có mức độ tăng trưởng ấn tượng trong năm qua. Điển hình như trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 đạt mức 35%. Một số DN chuyển phát có quy mô lớn tăng trưởng doanh thu từ 62-200%.

Tuy nhiên, khi cường độ sử dụng Internet trở nên dày đặc như vậy, việc các nhà marketing thu hút sự chú ý của người dùng sẽ càng ngày càng khó hơn bởi sự tập trung của người dùng sẽ càng ngắn hơn. Do đó thách thức đối với các nhà marketing là làm sao thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Cũng theo nghiên cứu từ Nielsen, quá trình tìm hiểu và đưa ra quyết định của người tiêu dùng hiện tại không chỉ trên một kênh, một thời điểm mà dàn trải trên nhiều thiết bị, nhiều thời điểm trong ngày và trên nhiều nền tảng khác nhau. Do đó, truyền thông đa kênh sẽ là cơ hội bắt buộc mà các DN phải làm trong tương lai để cạnh tranh.

Bà Nguyễn Phương Thảo - Quản lý cấp cao của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cảnh báo: “Có đến 30-35% chi phí truyền thông là lãng phí vì các DN đã tác động tiếp thị trực tuyến không đúng đối tượng”.

Thậm chí, bà Nguyễn Thùy Giang, Công ty TNHH Cốc Cốc (đơn vị sở hữu trình duyệt CốcCốc) đưa ra thông tin “Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách rủi ro thương hiệu do quảng cáo hiển thị tại Đông Nam Á. Số liệu được đánh giá bởi một đơn vị chuyên cung cấp chứng nhận quảng cáo ở Đông Nam Á. Đứng trước Việt Nam là Malaysia và Indonesia. Riêng rủi ro quảng cáo trên video, Việt Nam vượt mức trung bình mà đơn vị này đưa ra là 4%”.

Theo bà Giang, nếu quảng cáo về giáo dục lại được đặt cạnh bài báo về việc lạm dụng tình dục trẻ em, hay mẫu quảng cáo về thực phẩm lại xuất hiện bên cạnh nội dung bài viết về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì khả năng gây mất an toàn thương hiệu là điều khó tránh khỏi.

Tại diễn đàn TMĐT diễn ra mới đây ở TP.HCM, các chuyên gia khuyến cáo để tạo lòng tin cho khách hàng, DN phải minh bạch truyền thông về thương hiệu và sản phẩm. Trong thời đại kỷ nguyên số như hiện nay, công chúng, người tiêu dùng rất thông minh và dễ dàng tìm kiếm, kiểm chứng thông tin về sản phẩm, thương hiệu của DN. Khi DN có sản phẩm, hành vi sai, xấu… ở đâu đó, thì lập tức có thể bị công chúng, người dùng ghi lại hình ảnh và tung lên mạng xã hội… Do đó, nếu DN không minh bạch rõ ràng trong tiếp thị trực tuyến thì dễ bị công chúng phát hiện và tẩy chay sản phẩm lẫn thương hiệu.

“Xác định chiến lược tiếp thị trực tuyến phù hợp, các DN không những nâng cao hiệu quả tiếp thị mà còn góp phần mở rộng thị trường tiếp thị trực tuyến, nâng cao thị phần của các DN trong nước…”, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch VECOM chia sẻ.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều