Tìm sản phẩm chủ lực gắn với thương hiệu

15:30 | 30/07/2018

Sở Công thương TP.HCM đã mời 30 chuyên gia để bàn giải pháp xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn kết với thương hiệu cho TP.HCM.

Sao thế, Con Cưng?
Thương hiệu là tài sản có giá trị lớn

Chưa có sản phẩm chủ lực

Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết, giai đoạn năm 2002-2005, TP.HCM dẫn đầu cả nước về phát triển các sản phẩm chủ lực, với khoảng 35 DN tham gia chương trình ở nhiều lĩnh vực. TP.HCM cũng đã hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng đầu tư vốn vay mua sắm thiết bị cho DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá.

tim san pham chu luc gan voi thuong hieu
Việc xác định sản phẩm chủ lực là rất cần thiết để có định hướng hỗ trợ phù hợp, tăng nội lực cạnh tranh cho DN

Bên cạnh đó, trong những năm trước đây, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực TP. HCM cũng đã công nhận 11 DN với 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn chính thức là sản phẩm chủ lực như mì ăn liền của Acecook Việt Nam, sữa đậu nành và nước ngọt lon Tribeco, dây cáp điện Tân Cường Thành, ống thép Hữu Liên Á Châu, sản phẩm may mặc Việt Tiến, xe buýt và xe chuyên dụng của Samco, nệm cao su thiên nhiên Kymdan, săm lốp ôtô và xe máy Casumina… Tuy nhiên, đến nay những sản phẩm này đã không còn vị thế đó vì nhiều lý do khác nhau.

Các TS. Huỳnh Thế Du và Hoàng Văn Thắng (đại học Fulbright) cho rằng thời gian qua, mặc dù các ngành công nghiệp TP.HCM đã có sự phát triển nhất định nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, với ngành điện tử và công nghệ cao, thành phố đã có những nỗ lực rất lớn, thu hút tập đoàn Intel đầu tư một dự án quy mô 1 tỷ USD. Nhưng xét về khía cạnh thúc đẩy phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử thì kết quả đạt được là không lớn, giá trị gia tăng mà Intel tạo ra cũng không đáng kể.

Chỉ rõ nguyên nhân cơ bản, TS. Huỳnh Thế Du nhận định: "Cụm ngành điện tử gắn với công nghệ cao ở TP.HCM và Việt Nam chưa phát triển là do cách tiếp cận chưa đúng cách. Chúng ta mới chỉ thu hút FDI mà chưa chú ý đến việc khai thác tác động lan tỏa của những DN hàng đầu".

Tạo động lực phát triển kinh tế

Trên thực tế, chương trình phát triển sản phẩm chủ lực tại TP.HCM bị gián đoạn trong thời gian qua đã khiến DN không mặn mà. Hơn nữa, tiêu chí đánh giá để xác định sản phẩm chủ lực còn chưa đa chiều và không thực sự phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay.

Nhìn nhận tình hình thực tế, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của thành phố trong những năm qua liên tục tăng, nhưng năng lực phát triển đang có nhiều bất cập. Do đó, việc xác định sản phẩm chủ lực là rất cần thiết để có định hướng hỗ trợ phù hợp, tăng nội lực cạnh tranh cho DN. Đồng thời, tạo điều kiện để tăng hiệu quả xúc tiến, phát triển sản phẩm mang thương hiệu của thành phố tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó giám đốc Công ty TNHH Cao su Thống Nhất, việc xác định sản phẩm chủ lực cần tính đến sự phát triển dài hơi của DN và ngành hàng. Phải có cái nhìn toàn diện về quy mô và tỷ trọng đóng góp cho thị trường, cả xuất khẩu và trong nước.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, hiện tại dệt may được xác định là ngành chủ lực nhưng trong thời gian tới, ngành khó phát triển tại thành phố do chi phí nhân công, lương, giá thuê hạ tầng… tăng khá cao, làm giảm sút sức cạnh tranh. Thậm chí, có DN đã định hướng dịch chuyển nhà máy sản xuất sang các tỉnh lân cận. Theo ông Hùng, 2 lĩnh vực có thể phát triển tại thành phố là thiết kế thời trang và dịch vụ logistics.

Thực tế từ thị trường cho thấy, để xác định sản phẩm chủ lực, tiêu chí đầu tiên phải là sản phẩm của DN thuần Việt và gắn liền với sự phát triển của TP.HCM và cần phân theo nhóm, ngành hàng. TS. Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, thành phố nên có định hướng vào những ngành sẽ ưu tiên phát triển, kết hợp với việc tạo cơ chế hỗ trợ cho những ngành đang có tiềm năng lớn trên thị trường.

Với những ý kiến đóng góp từ chính DN sản xuất, hiệp hội ngành nghề và các chuyên gia, lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và trao đổi thêm với nhiều DN thuộc các hội ngành nghề khác để có thể xây dựng bộ tiêu chí đa chiều, đánh giá đầy đủ và sát nhất với các sản phẩm của DN. Từ đó, sẽ có những tham mưu xác đáng cho UBND thành phố.

“Xây dựng chương trình sản phẩm chủ lực với các tiêu chí phù hợp sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố phát triển bền vững”, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nói.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều