Toà án kém hiệu quả trong mắt DN

10:17 | 22/04/2015

Đây là câu chuyện rất quan trọng mà Việt Nam phải giải quyết để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia mà các chuyên gia pháp chế nêu ra tại Buổi tọa đàm Cảm nhận của cộng đồng DN về giải quyết tranh chấp của toà án.

LS. Trần Hữu Huỳnh (Trung tâm trọng tài quốc tế) cho biết, trong 11 tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế thì thực thi hợp đồng và giải quyết phá sản chiếm vị trí đặc biệt quan trọng. Thế nhưng dưới góc nhìn của mình, DN Việt Nam đang thiếu tin tưởng vào toà án.

“Chất lượng xét xử, thời gian xét xử, thời gian xử lý tranh chấp được Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế quan tâm xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia. Họ quan tâm không chỉ đơn thuần về pháp luật mà còn là tạo thuận lợi về MTKD. Giải quyết các vấn đề tranh chấp và giải quyết phá sản là 2 trong 11 chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia”, ông Huỳnh cho hay.

toa an kem hieu qua trong mat dn

Khảo sát mới nhất của VCCI với hơn 8.000 DN với câu hỏi DN có sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp trong 2 năm qua hay không thì chỉ 6,39% DN có sử dụng, 93,61% trả lời không sử dụng toà án. Với câu hỏi DN có tin tưởng tòa án và thi hành án bảo vệ quyền tài sản và quyền hợp đồng của mình khi có tranh chấp hay không thì 13% DN có sử dụng toà án hoàn toàn tin tưởng, 55% tin tưởng, 22% không tin tưởng, 10% hoàn toàn không tin tưởng. Trong khi đó, 11% DN không sử dụng toà án nói rằng hoàn toàn tin tưởng, 69% tin tưởng, 17% không tin tưởng và 2% hoàn toàn không tin tưởng

Như vậy, với DN không sử dụng toà án trong 2 năm qua, tỷ lệ không tin tưởng hoặc hoàn toàn không tin tưởng chỉ chiếm 19%, nhưng đối với DN có sử dụng toà án, tỷ lệ này lên đến 32%.

“Ở đây DN nào đã sử dụng toà án 2 năm qua thì đánh giá toà án thiếu tin tưởng hơn là tin tưởng. Con số này đặt ra câu hỏi liệu toà án, thi hành án có tạo tin tưởng cho DN hay không, tức là DN khi chưa đặt chân đến toà án thì còn tin tưởng, hoặc tin tưởng được nhưng khi đã bước vào đó rồi thì tỷ lệ không tin tưởng tăng lên. Điều này cho thấy toà án và thi hành án đang gây thất vọng cho các DN”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI cho biết.

Câu hỏi tiếp theo là các DN có đồng tình với các nhận định về các hoạt động của toà án hay không, với nhóm DN không sử dụng toà án chỉ 14% tin tưởng toà án xét xử đúng pháp luật, 43% tin toà xét xử nhanh chóng, 40% tin thi hành án nhanh chóng, 34 tin trợ giúp pháp lý nhanh chóng, 29% cho rằng chi phí chấp nhận được và 21% cho rằng phán quyết công bằng. Nhưng với nhóm DN đã sử dụng toà án thì 21% tin toà án xét xử đúng pháp luật, 55% cho là thi hành án nhanh chóng, 49% cho là trợ giúp pháp lý nhanh chóng, 31% cho chi phí chấp nhận được và 26% cho rằng phán quyết của toà là công bằng.

Thế nhưng khi khảo sát việc DN có muốn khởi kiện ra toà khi gặp tranh chấp hay không thì 52% nói có, 28% nói không, 7% sử dụng hình thức trọng tài và 13% nói cần phải xem xét…

“Như vậy, những DN nào đã từng ra toà đều đánh giá hệ thống tư pháp kém hơn so với DN chưa từng ra toà, thời gian làm thủ tục tố tụng đang là vấn đề bị đánh giá thấp nhất. Tình trạng chạy án và trình độ của cán bộ tòa án cũng cần được sớm giải quyết”, ông Đức nhấn mạnh.

LS. Trần Hữu Huỳnh cho rằng, những vấn đề quyền của công dân và tổ chức đã được Hiến pháp ghi nhận và được cam kết bảo vệ với chi phí thấp nhất và minh bạch cao nhất. Trên nền tảng như vậy, việc thay đổi mô hình tố tụng dân sự, nhất là các quan hệ kinh tế cho hiệu quả hơn, minh bạch hơn không chỉ là yêu cầu nội tại mà quan trọng hơn là một trong yếu tố quan trọng giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.

“Việt Nam nằm trong khu vực đang diễn ra cạnh tranh rất khốc liệt tại khu vực Asean. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc giải quyết tranh chấp từ 400 ngày tại toà, nay rút còn 200 ngày, giải quyết thủ tục phá sản từ 60 tháng, nay còn 30 tháng. Đây là quyết tâm của Chính phủ không chỉ để cải thiện 2 chỉ số này mà còn là các chỉ số bảo vệ quyền của DN và người dân một cách minh bạch và tốt nhất”, ông Huỳnh cho hay.

Trần Hương

Tin đọc nhiều