TP. Hà Nội: Đồng hành cùng sự phát triển của thành phố

11:00 | 29/05/2019

Là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hà Nội đã từng bước xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh và có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng.   

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Những năm gần đây, Hà Nội đã thực hiện và triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy DN phát triển, đặc biệt là DNNVV. Hiện nay, DNNVV trên địa bàn đang chiếm 97%, tạo ra khoảng 60% việc làm cho người lao động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.

tp ha noi dong hanh cung su phat trien cua thanh pho
Các DN đang nỗ lực đưa hàng Việt chất lượng cao tới tay người tiêu dùng

Theo Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP. Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), để hỗ trợ DN, thành phố đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng đó là nâng cao chất lượng dịch vụ công thông qua nâng cao tỷ lệ và chất lượng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và DN; Kết nối cung cầu, liên kết các vùng; Hỗ trợ cho các DN trong chương trình xúc tiến đầu tư để giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế...

Và như một tất yếu, số lượng DN trên địa bàn liên tục tăng nhanh. Tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn Hà Nội là 262.781 DN. Theo kế hoạch, đến năm 2020 TP. Hà Nội có thêm 200 nghìn DN đăng ký hoạt động.

Có thể thấy, công tác hỗ trợ và đồng hành cùng DN của Hà Nội luôn được đánh giá là thuộc nhóm đứng đầu cả nước với hàng loạt các giải pháp như đơn giản hóa thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực như đăng ký DN, giấy phép kinh doanh, thuế, hải quan, đất đai, xây dựng...; hỗ trợ DNNVV tiếp cận tín dụng thông qua triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV...

Đầu quý II/2019, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 93/KH-UBND về việc triển khai Quy chế "Hỗ trợ các DN trên địa bàn TP. Hà Nội xây dựng và phát triển thương hiệu" năm 2019.

Đây là chương trình nhằm mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Hà Nội trên thị trường trong và ngoài nước, phù hợp với các điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện để các DN xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm hướng tới sản xuất - kinh doanh bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ và phân phối sản phẩm.

Nền tảng xây dựng thương hiệu mạnh

Là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước thực hiện triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hà Nội đã từng bước xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh và có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển DN, phát triển các sản phẩm hàng Việt có giá trị gia tăng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức nhiều chương trình, giải pháp thúc đẩy DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng số sản phẩm công nghiệp chủ lực trên địa bàn thành phố được công nhận đến hết năm 2018 là 120 sản phẩm của 82 DN. Số lượng DN tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ đạt trên 60.000 tỷ đồng với tăng trưởng bình quân 8,5%.

Qua 10 năm triển khai và thực hiện cuộc vận động, TP. Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Với các hình thức hoạt động phong phú, sáng tạo, thiết thực, cuộc vận động đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hành động của người tiêu dùng trong mua sắm và sử dụng hàng Việt, tạo điều kiện cho các DN Việt phát triển, góp phần ổn định và phát triển kinh tế thành phố và cả nước, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP. Hà Nội mới đây, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội cho rằng, cuộc vận động đang tạo sức hút và được đông đảo người tiêu dùng và DN trên địa bàn hưởng ứng. Lợi ích mà chương trình đem đến là tạo được niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Đồng thời, nâng cao vị thế của DN Việt trong việc chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, cũng cần thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền đến mỗi người dân, DN, đặc biệt hướng tới những đối tượng ít được tiếp cận, biết đến cuộc vận động; Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành cạnh tranh.

Với những chương trình đồng hành cùng DN, Hà Nội đã và đang xây dựng được lực lượng DN lớn mạnh, có nhiều sản phẩm có thương hiệu không chỉ trên địa bàn mà còn trên cả nước.

Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh; Tăng cường giới thiệu, kết nối để các sản phẩm đi sâu vào đời sống dân cư, tạo thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, các DN Việt cũng cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Minh Hiếu

Tin đọc nhiều