TP. HCM: Tạo mọi điều kiện để chuyển đổi thành DN

16:00 | 25/09/2017

Không chỉ khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể, lãnh đạo TP. HCM còn khuyến khích hộ kinh doanh, trang trại, tổ hợp tác, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi lên DN.

Hộ kinh doanh chuyển thành DN: Được và mất
Hộ kinh doanh trước ứng xử chính sách
Để hộ kinh doanh vươn mình lớn dậy

Loại bỏ các thủ tục không cần thiết

Theo thống kê của UBND TP. HCM, hiện có khoảng 360.000 DN đăng ký hoạt động tại thành phố, nhưng số DN nộp thuế thực chỉ khoảng 160.000. Chính quyền thành phố có chủ trương khuyến khích hộ cá thể chuyển lên DN, nhưng nếu chỉ chạy theo số lượng thì thực lực của kinh tế sẽ không tăng lên nhiều, mà phải tăng vốn, tăng quy mô sản xuất kinh doanh.

UBND TP.HCM thống kê trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký và bổ sung của DN trong nước tại TP. HCM đạt 542.300 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian này, có khoảng 26.600 DN thành lập mới và khoảng 38.700 DN thay đổi nội dung kinh doanh và bổ sung tăng vốn. TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 500.000 DN.

tp hcm tao moi dieu kien de chuyen doi thanh dn
Ảnh minh họa

Để đạt được điều đó, Chủ tịch UBND TP. HCM đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết nhằm hạn chế phát sinh những chi phí không chính thức, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra, cấp giấy phép để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí tối đa cho DN.

Đến thời điểm hiện nay, TP. HCM đã hỗ trợ, vận động được 1.170 hộ cá thể chuyển lên DN, trong đó nhiều nhất là ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Chánh, quận 5, quận 10.

Đầu năm nay, lãnh đạo TP. HCM đã cam kết tiếp tục hoàn chỉnh thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết các thủ tục cho người dân và DN. Trong năm 2016 đã ghi nhận nhiều nỗ lực của thành phố về hỗ trợ DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, điều này khiến số DN thành lập mới tăng cao.

Khuyến khích HTX nông nghiệp

Không dừng lại ở hộ kinh doanh cá thể, chính quyền TP. HCM còn khuyến khích việc thành lập DN từ các hộ kinh doanh, trang trại, tổ hợp tác, HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Dự tính đến năm 2020, sẽ có 150.000 HTX, hộ nông dân sản xuất giỏi chuyển đổi lên DN.

Chính vì vậy, vừa qua, ngày 21/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM đã tổ chức Hội nghị chuyển đổi lên DN cho các hộ kinh doanh, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. HCM cho rằng, nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, cung cấp nhu cầu thiết yếu về lương thực, thực phẩm của người dân. TP. HCM thường xuyên có chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp của thành phố theo hướng bền vững, thành phố khuyến khích các hộ kinh doanh, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi lên DN; khuyến khích các hộ kinh doanh, trang trại, tổ hợp tác có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tự nguyện chuyển đổi để tận dụng các chính sách ưu đãi dành cho DN.

Theo đó, khi chuyển đổi lên DN, các hộ kinh doanh, trang trại tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ có nhiều cơ hội được hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh thông qua tiếp cận các quỹ hỗ trợ tín dụng dành cho DNNVV, DN khởi nghiệp; các chương trình kích cầu đầu tư của thành phố…

Ông Trần Đức Trọng – CTCP Nông nghiệp Bình Nguyên (huyện Củ Chi) thắc mắc việc DN chuyển đổi có được hỗ trợ gì từ vay vốn đến đầu ra sản phẩm hay không, có được giới thiệu đưa hàng vào các kênh phân phối hiện đại không, hay vẫn “tự bơi” tìm thị trường như từ trước khi lên DN? Cũng vậy, ông Lê Thế Khải, Giám đốc Hợp tác xã Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cho rằng, chỉ nên khuyến khích các hộ kinh doanh, trang trại hoặc tổ hợp tác nông nghiệp có đủ điều kiện chuyển đổi lên DN.

Trước những băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Trực cho biết, khi chuyển đổi lên mô hình DN, các hộ kinh doanh, tổ hợp tác cũng được hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; từng bước xây dựng, quảng bá thương hiệu từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

“Khi hộ nông dân chuyển đổi lên DN, sẽ dễ dàng hơn trong việc mua bảo hiểm nông nghiệp, phòng tránh rủi ro điệp khúc “được mùa mất giá”. Bởi với tư cách pháp nhân của mình, họ dễ dàng vay vốn ngân hàng, được các tổ chức xã hội, nhà nước hỗ trợ nhiều mặt…” – ông Trực khẳng định.

Minh Lâm

Tin đọc nhiều