TP.HCM: Công bố danh mục nhóm sản phâm công nghiệp chủ lực

17:01 | 16/10/2018

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định công bố danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP.HCM có hiệu lực kể từ ngày 15/10.

Đây là các sản phẩm công nghiệp thuộc bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử, hóa dược - cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và ngành công nghiệp truyền thống là dệt may có khả năng cạnh tranh cao, năng lực sản xuất lớn, có tiềm năng thị trường trong nước hoặc xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho tổng sản phẩm nội địa và phát triển kinh tế của thành phố.

tphcm cong bo danh muc nhom san pham cong nghiep chu luc

Theo đó, UBND TP.HCM quy định sản phẩm công nghiệp chủ lực là sản phẩm đáp ứng các tiêu chí như sản phẩm được sản xuất bởi DN của thành phố, là DN đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã và có trụ sở chính tại TP.HCM; Sản phẩm có giá trị gia tăng, năng suất lao động cao; Sản phẩm có thiết kế sáng tạo, tính ưu việt; Có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường; Đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu; Không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài tiêu chí chung trên còn có tiêu chí riêng của từng ngành. Đối với ngành cơ khí thì sản phẩm là máy móc, thiết bị trực tiếp hoặc được lắp đặt trong các dây chuyên tự động phục vụ cho sản xuât công nghiệp, nông nghiệp; Sản phẩm là linh kiện để sản xuất máy móc, thiết bị trực tiếp hoặc được lẳp đặt trong các dây chuyền tự động phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp; Sản phẩm được sản xuất qua quá trình nghiên cứu, thiết kế sáng tạo.

Đối với ngành Hóa dược - Cao su - Nhựa thì sản phẩm cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại; Sản phẩm cung ứng cho các ngành công nghiệp khác (như cơ khí, lương thực - thực phẩm,..) đòi hỏi công nghệ kỹ thuật và độ chính xác cao.

Đối với ngành Lương thực - Thực phẩm thì sản phẩm có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trên thị trường; Sản phẩm có hệ thống phân phối trong nước hoặc xuất khẩu; Sản phẩm đạt tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm và có hệ thống quản lý chất lượng.

Đối với ngành Điện tử, sản phẩm là nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm...

Đối với ngành Dệt may, sản phẩm có phương thức sản xuất “mua nguyên liệu, bán thành phẩm” (FOB) trở lên; Quy trình sản xuất áp dụng công nghệ tiên tiến.

Ngọc Hậu

Tin đọc nhiều