Trăn trở thương hiệu làng nghề

14:17 | 15/10/2018

Xây dựng được thương hiệu góp phần quan trọng để các làng nghề truyền thống hồi sinh.

Làng nghề hướng tới phục vụ du lịch
Dòng vốn tìm hướng quay lại làng nghề

Ăn nên làm ra nhờ thương hiệu

Những năm gần đây, ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nên một số làng nghề truyền thống ở khu vực miền Trung đã quan tâm thực hiện. Có thương hiệu trên thị trường giúp việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn, đời sống của người lao động cũng được nâng cao.

tran tro thuong hieu lang nghe
Nhờ có thương hiệu, đèn lồng Hội An đang được xuất khẩu sang nhiều nước

Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn huyền thoại, làng đá mỹ nghệ Non Nước (TP. Đà Nẵng) đã có đến hàng trăm năm lịch sử hình thành và phát triển. Đây được xem là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở địa phương. Mặc dù vậy, những năm trước đây làng nghề vẫn chỉ được biết đến theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Việc xây dựng thương hiệu làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước chưa được quan tâm đúng mức.

Sau đó, Hội làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn được thành lập. Ngay sau khi thành lập, hội đã cùng với VCCI chi nhánh Đà Nẵng xây dựng đề án xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu làng nghề.

Đặc biệt, hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cuộc thi sáng tác logo cho làng nghề và tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu đá mỹ nghệ Non Nước. Năm 2013, có 3 nghệ nhân của làng nghề được công nhận là nghệ nhân ưu tú. Đến năm 2014, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Từ khi có thương hiệu chung cho làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, việc sản xuất, kinh doanh ở đây đã “phất lên” trông thấy. Đời sống của những người lao động được nâng lên. Nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời và được đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong cả nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Hiện, trong làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đang có khoảng 500 cơ sở sản xuất, với khoảng 1,5 nghìn lao động tham gia, với thu nhập bình quân từ 6,5 đến 10 triệu đồng/tháng, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đặc biệt, hỗ trợ cho làng nghề này phát triển, UBND TP. Đà Nẵng cũng đã ban hành Quyết định số 6533/QĐ-UB phê duyệt tổng thể mặt bằng quy hoạch chi tiết làng nghề đá mỹ nghệ, nhằm phát huy truyền thống của một trong những làng nghề có bề dày lịch sử ở địa phương.

Tương tự, là những hiệu quả từ việc xây dựng thương hiệu đèn lồng ở Hội An (Quảng Nam). Theo đó, từ năm 2006 đèn lồng Hội An đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Từ đây, những cơ sở sản xuất đèn lồng ở phố cổ đã bắt đầu dùng chung nhãn hiệu hình chùa Cầu được cách điệu và hình chiếc đèn lồng đặt ở trung tâm với dòng chữ “Đèn lồng Hội An” bên dưới.

Cũng như nhiều làng nghề truyền thống khác, sau khi xây dựng được thương hiệu, việc tiêu thụ đèn lồng Hội An đã trở nên dễ dàng hơn trên thị trường; Góp phần ngăn chặn các sản phẩm hàng nhái, hàng giả đèn lồng Hội An trên thị trường, vốn rất phổ biến như trước đây. Được biết, đến nay tại Hội An có hơn 40 hộ cá thể kinh doanh sản xuất đèn lồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Cũng nhờ có thương hiệu, nên đèn lồng Hội An đang được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới...

Được biết, để tham gia và được bảo hộ thương hiệu đèn lồng Hội An, chủ cơ sở sản xuất chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh, có đơn tự nguyện tham gia vào tập thể thương hiệu đèn lồng Hội An. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ cấp cho các cơ sở những con tem có logo đèn lồng được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận. Những con tem này sẽ được gắn lên các sản phẩm đèn lồng do cơ sở sản xuất.

Chưa mặn mà với... thương hiệu

Có thể nói, việc xây dựng được thương hiệu đã góp phần quan trọng để các làng nghề truyền thống ở khu vực miền Trung hồi sinh. Đặc biệt, trong hoàn cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế những làng nghề xây dựng, đăng ký được thương hiệu như đá mỹ nghệ Non Nước hay đèn lồng Hội An cũng mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Nguyễn Hồng Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP. Đà Nẵng cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề còn gặp khó. Nguyên nhân đầu tiên theo ông Vân là hiện nay quy mô nhiều làng nghề ở khu vực còn nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả hàng nhái xuất hiện khiến mất uy tín làng nghề. Thậm chí, ở một số làng nghề lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong khi đó, để làng nghề tồn tại, phải gắn liền với cuộc sống của người dân rồi mới tính đến chuyện xây dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Hồng Vân lấy dẫn chứng từ làng truyền thống bánh tráng nướng Túy Loan ở huyện Hòa Vang. Cùng với làng đá mỹ nghệ Non Nước, đây cũng là một trong những làng nghề có truyền thống lâu đời ở TP. Đà Nẵng. Theo đó, bánh tráng nướng Túy Loan không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân địa phương mà còn theo chân nhiều du khách đi đến nhiều nơi trong cả nước.

Tuy nhiên, do sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, làng nghề truyền thống này đang đứng trước nguy cơ mai một. Cả làng, hiện chỉ còn khoảng hơn 20 hộ sản xuất bánh tráng nướng với sản lượng không nhiều. Với quy mô nhỏ lẻ, làng nghề truyền thống này đã và đang gặp những khó khăn. Bởi vậy, việc xây dựng được thương hiệu bánh tráng nướng Túy Loan càng trở nên xa vời.

Ngoài nguyên nhân do quy mô nhỏ lẻ, ngay bản thân một số làng nghề đang làm ăn được cũng không mặn mà mấy với việc xây dựng thương hiệu. Cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, hay công tác quảng cáo, tiếp thị... Điều này, khiến cho các làng nghề có thể tồn tại chứ khó có sự phát triển.

Thậm chí, có những làng nghề đã xây dựng được thương hiệu chung, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, nhưng việc kêu gọi các hộ sản xuất, kinh doanh tham gia cũng gặp khó. Quay trở lại với câu chuyện đèn lồng ở Hội An, mặc dù đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, song đến nay vẫn có nhiều hộ kinh doanh tự cho rằng mình chỉ hoạt động nhỏ lẻ, không cần phải đăng ký kinh doanh thương hiệu.

Điều này, đồng nghĩa với việc họ chấp nhận sản phẩm của mình sẽ không được bảo hộ trong một thương hiệu chung. Có thể nói, để các làng nghề truyền thống “sống” được trong giai đoạn hiện nay, chỉ riêng vấn đề xây dựng thương hiệu thôi cũng đã lắm trăn trở, băn khoăn.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều