Tránh cạnh tranh bằng “phá giá”

11:45 | 15/06/2012

Các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam phải liên kết để tận dụng lợi thế nâng giá bán. Điều này vừa làm lợi cho DN, lại nâng tầm chất lượng cá tra của Việt Nam, đồng thời làm lợi cho chính những người sản xuất, nuôi cá tra ở Việt Nam.

Sự cạnh tranh về giá trong xuất khẩu vào thị trường châu Âu của các DN Việt Nam thời gian qua đã đẩy giá cá philê xuống dưới giá sàn quy định của VASEP là 3 USD/kg.

Giá cá tra philê xuất khẩu thông thường ở mức trên dưới 3 USD/kg nhưng vẫn có không ít DN chào bán với giá 2,6 USD/kg. Theo các nhà chế biến xuất khẩu, giá xuất khẩu cá tra philê tại thị trường châu Âu đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi nhiều DN nhỏ chuyên làm thương mại. Theo phản ánh của nhiều DN trong ngành, chính những DN không có nhà máy, không có vùng nuôi, đã tạo ra tình hình tranh mua tranh bán, dẫn đến giá giảm mạnh như hiện nay. Theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch VASEP, toàn vùng ĐBSCL hiện có 120 nhà máy chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế gần 1 triệu tấn thành phẩm/năm. Trong khi đó cả nước luôn có đến hơn 300-400 đơn vị tham gia xuất khẩu cá tra lớn nhỏ, nghĩa là có gần 2/3 DN không có nhà máy, không có vùng nuôi, chỉ tham gia môi giới, mua bán sản phẩm.


Nguy cơ treo ao của các hộ nông dân đang hiện hữu

Có thể nói, chuyện các DN trong nước cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá thấp không phải mới. Tuy nhiên, hậu quả là tất cả các DN đều phải hứng chịu, nhất là các DN làm ăn chân chính. Việc hạ giá sẽ kéo theo hạ chất lượng sản phẩm, nên việc sử dụng chất cấm đã xảy ra.

Thị trường châu Âu cũng giống một số thị trường khác như Nhật, Mỹ rất khắt khe trong việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, các nước nhập khẩu cá tra của Việt Nam đã tăng cường biện pháp kiểm tra và hàng loạt container hàng bị trả về hoặc hủy tại chỗ. Cá tra Việt Nam thường xuyên phải hứng chịu các cuộc điều tra chống bán phá giá, bị kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt hơn, nguy cơ mất thị trường hiển hiện. Theo ý kiến của các nhà nhập khẩu và phân phối cá tra của Việt Nam tại châu Âu, các DN xuất khẩu cá tra Việt Nam phải liên kết để tận dụng lợi thế nâng giá bán. Điều này vừa làm lợi cho DN, lại nâng tầm chất lượng cá tra của Việt Nam, đồng thời làm lợi cho chính những người sản xuất, nuôi cá tra ở Việt Nam.

Trước những khó khăn tại thị trường châu Âu, nhiều DN xuất khẩu cá tra Việt Nam đang đổ dồn sang thị trường Mỹ và có thể gây ra việc tăng trưởng nóng ở thị trường này. Theo đó, VASEP cũng cảnh báo, nhiều DN cùng tập trung vào thị trường Mỹ có thể dẫn đến nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh và phá giá tại thị trường quan trọng này. Mỹ được cho là thị trường hấp dẫn đối với các nhà xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo thống kê của VASEP, tính từ đầu năm đến ngày 15/5, kim ngạch xuất khẩu cá tra qua thị trường EU đạt trên 169 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu qua thị trường Mỹ đạt 127,6 triệu USD, tăng đến 44% so với cùng kỳ năm 2011.

Chính bởi kiểu "gà nhà đá nhau", làm hạ giá bán để cạnh tranh hợp đồng xuất khẩu thời gian vừa qua khiến cho sức cạnh tranh của cá tra Việt Nam yếu thế hơn so với các nước xuất khẩu khác. Trong khi đó các DN nhập khẩu tại các thị trường nước ngoài lại "ngư ông đắc lợi".

Bài và ảnh Minh Hiếu

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều