Bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích:

Tránh tình trạng “việc ai nấy làm”

13:00 | 05/10/2018

Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” chỉ thực sự hiệu quả khi có sự vào cuộc từ 3 phía: cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và DN.

Cầu nối đưa hàng Việt ra thế giới
Đẩy mạnh kết nối để hàng Việt lan tỏa

Nâng cao thương hiệu cho DN

Năm 2017, Chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố Hà Nội với số phiếu bình chọn phát hành trên 1.000 có danh sách đầy đủ 12 ngành hàng. Số phiếu thu về là 656 phiếu, tổ chức bình chọn online với trên 5.000 lượt bình chọn trên website Binhchonhangviet.com.vn.

tranh tinh trang viec ai nay lam
Chương trình bình chọn hàng Việt Nam giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm tốt

Kết quả, Ban tổ chức đã công nhận 115 sản phẩm của 69 DN đạt danh hiệu này. Trong đó top 1 có 9 DN gồm: Khóa Việt Tiệp, CTCP bánh mứt kẹo Hà Nội, CTCP thực phẩm Delta, Tập đoàn Tân Á Đại Thành, NHTMCP Sài Gòn – Hà Nội, Công ty Dược phẩm Tâm Bình, Công ty điện cơ Thống Nhất, CTCP Hoa Lan, CTCP tập đoàn Sunhouse.

Top 2 có 20 DN, Top 3 có 16 DN, Top 4 có 24 DN. Các sản phẩm được bình chọn được tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, được nhiều người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao, nhiều sản phẩm đã đưa vào các kênh phân phối hiện đại trong nước và xúc tiến xuất khẩu.

Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Chương trình là hoạt động tiêu biểu nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Mục đích của Chương trình là lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu của DN Việt để người tiêu dùng bình chọn, giúp người tiêu dùng nhận biết được các sản phẩm tốt, uy tín, chất lượng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và tạo động lực để DN Việt quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; nâng cao năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố và cả nước.

Trong năm 2018, Chương trình dự kiến có 12 ngành hàng tham gia bình chọn gồm: Ngành hàng tiêu dùng; Sản phẩm công nghiệp; Xây dựng, trang trí nội thất; Dược phẩm, hóa mỹ phẩm; Đồ uống, dụng cụ học tập; Thủ công mỹ nghệ; Hàng nông sản thực phẩm; Dịch vụ ngân hàng; Du lịch; Truyền thông; Vui chơi giải trí; Vận chuyển.

Ban tổ chức đã xây dựng quy chế bình chọn và được công bố công khai trên website của chương trình, cổng thông tin điện tử của Sở Công thương, Hiệp hội DNNVV thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố với 13 tiêu chí chấm điểm cụ thể. Chương trình triển khai từ 20/8 đến 9/11/2018, dự kiến sẽ công bố kết quả vào 9/11/2018. Tính đến thời điểm này, đã có 500 phiếu bình chọn; cùng 67 DN với 173 sản phẩm, dịch vụ đăng ký tham gia.

Điểm mới của Chương trình năm nay, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh, bên cạnh việc chuẩn hóa quy chế cũng như tiêu chí minh bạch, rõ ràng, Ban Tổ chức đã làm mới cách thức tiếp cận theo hướng khoa học và thuận tiện hơn.

Người tiêu dùng có thể bình chọn trực tiếp qua phiếu bình chọn và bình chọn trực tuyến trên website của chương trình tại địa chỉ:binhchonhangviet.com.vn. Thay vì các DN tự tìm đến với chương trình bình chọn như mọi năm, thì năm nay các DN, sản phẩm được các hiệp hội DN, các tổ chức, đoàn thể ở địa phương giới thiệu. Đây được xem là “bộ lọc” để các sản phẩm đăng ký tham gia đáp ứng được tiêu chí của chương trình.

Cần sự vào cuộc của địa phương

Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2018, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, ngược lại với sự tích cực, chủ động tham gia của nhiều DN và một số địa bàn, thì hầu hết các quận, huyện lại chưa thực sự vào cuộc mà mới chỉ dừng lại ở mức chuyển văn bản, giấy mời của Ban tổ chức đến DN chứ chưa phát huy vai trò đầu mối và nhận thức đúng mức về ý nghĩa của việc tham gia. Phần lớn các huyện mới chỉ thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện mà chưa có ở cấp xã nên sức lan tỏa chưa cao.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nói thêm, một số DN còn chưa chú trọng bảo vệ thương hiệu, tìm tòi sáng tạo cải tiến mẫu mã, ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tình trạng hàng giả, hàng nhái còn tồn tại.

Do đó, thành phố đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo các cấp phải sát sao hơn trong việc hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Quan trọng hơn, phải coi đây là quyền lợi, là cơ hội “vàng” để quảng bá sản phẩm có thế mạnh của địa phương, để từ đó có sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm hơn.

Ông Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ hiệu quả nếu DN, UBND các quận, huyện thực sự nhập cuộc, tránh tình trạng “việc ai nấy làm”. Chưa kể, hiện vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng có thói quen “sính ngoại”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Toản, điều này cũng không là rào cản đối với sản phẩm, dịch vụ của các thương hiệu Việt, khi các nhà sản xuất chú tâm vào nghiên cứu nhu cầu khách hàng, nỗ lực tạo ra hàng hóa với chất lượng ngày càng tốt hơn cả về mẫu mã bao bì lẫn chất lượng sản phẩm.

Hải Yến

Tin đọc nhiều