Triển vọng xuất khẩu của Bắc Ninh năm 2019

09:44 | 25/02/2019

Trong bộn bề khó khăn của năm 2018, việc tăng trưởng GRDP toàn tỉnh ở mức 10,6% có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu.

Năm 2018 đã kết thúc với nhiều dư âm tốt đẹp khi kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bắc Ninh chạm mốc 34.915 triệu USD, chiếm 14% giá trị xuất khẩu của cả nước, tăng trên 11,4% so với năm 2017. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu vẫn “vững tay chèo”, nâng cao năng lực sản xuất, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung 10,6% của nền kinh tế tỉnh nhà. Với nội lực sẵn có cùng với quyết tâm cao của tỉnh, bức tranh xuất khẩu năm 2019 của Bắc Ninh sẽ có nhiều gam màu tươi sáng.

trien vong xuat khau cua bac ninh nam 2019
Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng, mẫu mã để các sản phẩm chủ lực có thể vươn ra “biển lớn”

Những kết quả nổi bật

Liên tục chiếm “thế thượng phong” trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh là ngành điện thoại và các linh kiện thuộc Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) và Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (SDV) với hơn 86,67%. Đến nay, tất cả các dây chuyền sản xuất của 2 công ty này đã đi vào vận hành ổn định, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê, trong năm qua, riêng sản phẩm điện thoại nguyên chiếc đã đạt gần 95,3 triệu chiếc; màn hình điện thoại đạt 24,2 triệu chiếc; đồng hồ thông minh 1,2 triệu chiếc; máy in, máy photocopy đạt 16,4 triệu chiếc… góp phần đưa giá trị xuất khẩu sản phẩm ngành máy tính và phụ kiện đạt 3.919 triệu USD, tăng 52,4% so với cùng kỳ; điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu đạt 30.262 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Những con số “biết nói” trên một lần nữa khẳng định sự đóng góp lớn của các tập đoàn như: Samsung, Canon, Fushan Technology (Microsoft), Foxconn, Suntory-PepsiCo… cho sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp Bắc Ninh.

Ngoài các doanh nghiệp lớn, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có hàng trăm doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu với các mặt hàng truyền thống chủ yếu như sản phẩm gỗ, giấy, sắt thép và sản phẩm sắt thép, hàng dệt may… Trong năm qua, các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại, tích cực nâng cao chất lượng, mẫu mã để các sản phẩm chủ lực có thể vươn ra “biển lớn” và đứng vững tại các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, các nước khu vực ASEAN… Từ đó, đưa giá trị xuất khẩu gỗ đạt 10,64 triệu USD; giấy đạt 143,74 triệu USD; sắt thép và sản phẩm sắt thép đạt 64,43 triệu USD; hàng dệt may đạt 137,22 triệu USD; chất dẻo và sản phẩm từ chất dẻo đạt 101,26 triệu USD…

Có thể thấy, trong bộn bề khó khăn của năm 2018, việc tăng trưởng GRDP toàn tỉnh ở mức 10,6% có sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cùng với đó là sự triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách của tỉnh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Từ đó, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế toàn tỉnh theo hướng công nghiệp và hội nhập quốc tế, thích ứng với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0.

Triển vọng cho năm 2019

Qua số liệu thống kê 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của các đơn vị hạch toán độc lập trong tỉnh ước đạt 4.850,2 triệu USD, cho thấy tình hình xuất khẩu năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019, và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới.

Bà Đặng Anh Đào, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May Đáp Cầu (thành phố Bắc Ninh) cho biết, mặc dù 2019 được cho là năm thách thức đối với ngành dệt may, song công ty vẫn tin tưởng xuất khẩu của ngành dệt may sẽ có thuận lợi trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định cùng với cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được cải thiện. Chính vì thế, Tổng công ty May Đáp Cầu sẽ quyết tâm tận dụng các cơ hội đến từ CPTPP và EVFTA, chấn chỉnh công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất theo hướng sản xuất xanh, năng suất tốt, hiệu quả và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong quản trị chi phí, hạch toán giá thành, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo tốt đời sống người lao động, tăng giá trị gia tăng và mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng từ 10-15%, tạo việc làm ổn định cho gần 2.000 lao động với thu nhập bình quân 9-9,5 triệu đồng/người/tháng...

Ngoài sự nỗ lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp, chính quyền các cấp trong tỉnh cũng cần đẩy nhanh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường nước ngoài bằng những hoạt động cụ thể. Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thâm nhập vào thị trường thế giới, đưa hàng hoá vào các quốc gia trên thế giới một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất, hiệu quả nhất thông qua sử dụng phương thức thương mại điện tử.

Tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp trong tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu cao của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh sẽ tạo ra động lực kéo cả nền kinh tế của tỉnh phát triển. Vừa qua tại KCN VSIP Bắc Ninh Công ty TNHH Linfox Logistics Việt Nam đã khánh thành nhà kho Linfox Warehouse với 60.000m2 lớn nhất miền Bắc. Như vậy, năm 2019 sẽ mang đến những tín hiệu vui cho nền kinh tế tỉnh nhà nói chung và xuất khẩu nói riêng.

Khổng Văn Thắng

Tin đọc nhiều