Trông chờ sự hợp tác từ nhiều phía

16:00 | 02/04/2018

Muốn tăng khả năng tiếp cận vốn, DN cần phải nâng cao tính minh bạch, quản trị bài bản, chiến lược đầu tư dài hạn

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn
Tăng tiếp cận vốn cho khu vực nông thôn
Tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp

Lỗi từ nhiều phía

Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 được đánh giá là cú hích lớn quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng đến các mục tiêu mà Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đặt ra. Để triển khai hiệu quả luật này, cuối tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng KasikornBank (Thái Lan) tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực toàn diện cho DNNVV tiếp cận tín dụng”.

trong cho su hop tac tu nhieu phia
Muốn tăng khả năng tiếp cận vốn, DN cần phải nâng cao tính minh bạch, quản trị bài bản, chiến lược đầu tư dài hạn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu nhận định vai trò khu vực DNNVV rất quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển... Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh và phát triển, các DNNVV Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của ông Hiếu, thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các NH theo hướng tập trung vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV. Cùng với đó, NHTM giảm lãi suất cho vay góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DNNVV. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận tín dụng của DNNVV qua hệ thống các NHTM còn hạn chế.

“Tỷ lệ dư nợ cho vay khu vực này mới chiếm trung bình khoảng 22-25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012-2017. Hiện chỉ có khoảng hơn 30% DNNVV tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng NH”- ông Hiếu dẫn thêm số liệu.

Tỷ lệ dư nợ cho vay DNNVV ở mức 22%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế nếu so với một số nước trong khu vực, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực không phải quá thấp mà ở mức trung bình. Vấn đề mà vị chuyên gia này đặt ra đó là 97% DN nghĩ rằng tín dụng NH là kênh vốn duy nhất cho DNNVV khởi nghiệp. Nhưng thực tế có tới 6 nguồn vốn khác nhau mà DNNVV có thể tiếp cận được. Hai kênh đang được sử dụng phổ biến là vay vốn NH và bảo lãnh tín dụng (BLTD).

Có hai nguồn tín dụng khác mà các DN ít để ý tới đó là thuê tài chính và nguồn vốn đối tác. Đối với cho thuê tài chính ưu điểm hơn khi vay NH là không cần thế chấp, thời hạn thuê rất dài. Nguồn vốn đối tác nếu biết tận dụng tối đa cũng mang lại hiệu quả cao cho DN.

“Trong kinh nghiệm làm ăn, nếu đối tác cho nợ ngày nào tốt ngày ấy. Chỉ cần tận dụng tối đa nguồn vốn đó trong vòng 1-2 tuần, DN có thể kiếm một khoản tương đương chi phí chiết khấu 1-2% cho đối tác. Ngoài ra, còn hai nguồn tín dụng nữa là từ ngân sách và quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV”, TS. Lực chia sẻ thêm và khuyên các DN nên chịu khó săn tín dụng, nguồn vốn như săn học bổng.

Khi bám thông tin sát, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ như hồ sơ xin học bổng thì khả năng tiếp cận được tín dụng là rất cao. Còn thực tế hiện nay, do DN chuẩn bị hồ sơ rất sơ sài nên không tạo được độ tin cậy cho các NH để được cấp vốn. Trong khi Quỹ BLTD được ví như bà đỡ cho đối tượng này đang tồn tại nhiều bất cập. Có tới 30 quỹ bảo lãnh ở các địa phương nhưng đến nay rất ít DN được bảo lãnh.

Các diễn giả tại Hội thảo đã chỉ ra sự yếu kém này do cả 3 phía là DN, Quỹ bảo lãnh và NH. DN thì do hồ sơ tài chính sơ sài, chưa đủ độ tin cậy. Phía Quỹ bảo lãnh thì năng lực thẩm định hạn chế, thủ tục phức tạp, đặc biệt Nhà nước chưa có cơ chế hỗ trợ chia sẻ rủi ro nên các quỹ này chưa mạnh dạn bảo lãnh cho các DNNVV.

“Bảo lãnh cũng là hình thức cấp tín dụng và phải chấp nhận rủi ro, nợ xấu ở một mức độ nhất định. Muốn khắc phục được rào cản này sắp tới Quỹ BLTD DNNVV phải có quỹ dự phòng rủi ro”, một chuyên gia đưa ra quan điểm về tăng khả năng bảo lãnh của quỹ với DNNVV. Để tình trạng Quỹ BLTD hoạt động kém hiệu quả, theo TS. Lực do NH và quỹ chưa hợp tác, hai bên không công nhận kết quả thẩm định của nhau nên DN phải mất 2 lần thẩm định mất thời gian, gây phiền toái…

Tìm cách tăng khả năng tiếp cận tín dụng

Một trong những thành công của Thái Lan khi nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho DN chính là các quỹ BLTD “không sợ” nợ xấu, ông Wichet – Phó chủ tịch Cơ quan BLTD chia sẻ như vậy tại hội thảo. Thái Lan là quốc gia trong khu vực ASEAN, nền kinh tế phát triển có nhiều nét tương đồng với điều kiện của Việt Nam khi 98% DN ở nước này là DNNVV cũng là thành phần xương sống kinh tế của nước này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra.

Cũng như Việt Nam, DNNVV của Thái Lan rủi ro cao hơn DN lớn. Và cũng vì sợ nợ xấu nên 20 năm trước các NH Thái Lan không dám cho vay. Đến năm 2009, quỹ BLTD Thái Lan đã thay đổi tư duy tích cực hỗ trợ các DNNVV tiếp cận được các khoản vay một cách thuận lợi nhất thay vì ngại như trước kia. Cơ quan này đã ký cam kết song hành, chia sẻ rủi ro cùng với NH, khách hàng. Nhờ đó số khoản vay bảo lãnh tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, để giúp DN có thể tồn tại được, theo diễn giả Thái Lan sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng rất quan trọng như hỗ trợ thuế. Những DN có doanh thu ít dưới 1,5 triệu bạt thì sẽ không phải trả thuế VAT…

Không chỉ hỗ trợ về vốn, các diễn giả đến từ Thái Lan nhấn mạnh đến việc hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, có tư duy sắc bén hơn hay những chương trình kết nối các ngành hàng tạo dựng chuỗi cung ứng vững mạnh hơn cho các DNNVV có ý nghĩa quan trọng.

Đánh giá cao những đề xuất của các diễn giả đến từ Thái Lan, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, muốn tăng khả năng tiếp cận vốn phải tạo dựng lòng tin từ các bên. Về phía DN cần phải nâng cao tính minh bạch, quản trị bài bản, chiến lược đầu tư dài hạn. Đây là vấn đề mà DN nước ngoài hay để ý nhất và cũng ngại nhất khi đầu tư vào Việt Nam. Đối với vấn đề thuế, theo vị chuyên gia này để tạo động lực cho hộ gia đình nâng cấp lên DN hướng tới mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 thì thuế áp dụng với đối tượng này phải thấp hơn 20%.

“Thay vì nâng thuế suất, chúng ta nên tập trung mở rộng đối tượng thu thuế, chống thất thu, thủ tục nâng cấp đơn giản… đây mới là phương án thông minh, bền vững”, vị này đề xuất thêm.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu đề xuất, trước hết, có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký DN, thông tin tín dụng ngân hàng... Qua đó, giúp các NH và DNNVV chia sẻ, minh bạch thông tin phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm DNNVV tốt hơn. “Muốn NH cho vay theo dòng tiền không có thông tin chính xác làm sao cho vay được, hoặc nếu DN muốn ứng dụng công nghệ 4.0 mà không có thông tin thì khó có thể áp dụng được”, TS. Lực nhấn mạnh thêm vai trò thông tin.

Nguyễn Vũ

Tin đọc nhiều