Trước nguy cơ giảm tốc

14:00 | 18/05/2015

Các chuyên gia cho rằng nếu không có quy hoạch và công tác quản lý phù hợp, thì ngành này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trước mắt là tốc độ tăng trưởng sẽ suy giảm.

truoc nguy co giam toc
Ảnh minh họa

Theo thống kê hiện nay, có rất nhiều dự thảo chính sách tác động lên ngành bia như: Nghị quyết 88/NQ-CP về an toàn giao thông; Luật 36/2001 – Luật Thương mại; Luật 23/2008 – Giao thông đường bộ và Nghị định 34 về xử phạt; Luật 55/2010 – an toàn thực phẩm…

Trong đó, có dự thảo Luật “Phòng chống tác hại lạm dụng các chất có cồn” và Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu đang được Chính phủ xây dựng (dự kiến trình Quốc hội ban hành tháng 12/2016).

Do vậy, các chuyên gia cho rằng nếu không có quy hoạch và công tác quản lý phù hợp, thì ngành này sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, trước mắt là tốc độ tăng trưởng sẽ suy giảm.

Bày tỏ nỗi lo về “Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ngành bia”, trong đó có quy định dán tem bia, đại diện Hiệp hội Bia rượu – Nước giải khát cho biết, để thực hiện việc dán tem bia, các DN phải bỏ chi phí đầu tư thiết bị, chi phí mua tem, chi phí quản lý, bảo dưỡng vận hành. Từ đó làm tăng chi phí giá thành, giảm lợi nhuận và giảm nộp thuế thu nhập DN, giảm cổ tức vốn nhà nước.

Theo hiệp hội này, nếu đề án này được thông qua với yêu cầu bắt buộc dán tem, thì chỉ riêng tiền đầu tư mua máy dán tem của các DN đã vào khoảng 3.000 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn 645 tỷ, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội 495 tỷ, Heineken 240 tỷ...

Cùng với đó, khẳng định việc dán tem sẽ đẩy chi phí giá thành của sản phẩm lên cao hơn, ông Lê Hồng Xanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Sabeco tính toán, riêng bia Sài Gòn có 25 nhà máy, tổng công suất thiết bị đầu tư để dán tem mất trên 700 tỷ đồng. Ngoài ra, để dán tem mỗi năm bia Sài Gòn phải mua 6 tỷ cái tem, mà mỗi cái tem giá 200 đồng, như vậy mỗi năm phải chi thêm 1.600 tỷ đồng.

Nếu tính tổng thể toàn ngành, “với sản lượng 10 tỷ sản phẩm/năm ngành bia sẽ tăng chi phí từ 6.500 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng, từ đó dẫn đến giảm lợi nhuận tương ứng là 6,5 đến 7 tỷ đồng và giảm thuế thu nhập DN nộp cho nhà nước 1,4 đến 1,5 tỷ đồng/năm”, lãnh đạo Sabeco nói.

Ngoài ra, ông Dương Đình Giám - Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công Thương) cho rằng: Nếu luật yêu cầu tăng thuế đối với sản phẩm bia một cách quá đáng sẽ đẩy giá thành lên. Khi đó, có khả năng người tiêu dùng sẽ uống bia ít đi và có xu hướng chuyển sang các loại đồ uống có cồn khác. Lo ngại nhất đó chính là việc sẽ bùng phát rượu dân doanh do người dân tự nấu, tuy giá thành rẻ nhưng lại có nồng độ cồn cao hơn bia gấp 6 lần.

Theo ông Giám, nhìn chung, những quy định mới sẽ góp phần tăng cường ý thức người dân trong việc sử dụng bia, tạo ra những sản phẩm bia bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này cũng có thể làm giảm mức độ tăng trưởng của ngành bia trong tương lai.

Cụ thể theo quy hoạch phát triển ngành bia – rượu – nước giải khát đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, thì mục tiêu đến năm 2015 sản lượng bia sản xuất đạt 4 tỷ lít/năm, năm 2025 sản lượng bia sản xuất đạt 6 tỷ lít/năm. Song đến năm 2014 công suất sản xuất bia thực tế huy động (sản xuất và tiêu thụ trên thị trường) mới đạt được 81% quy hoạch đã phê duyệt.

Do vậy, ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, khẳng định dù ngành bia đã tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2005-2010, song hiện nay tốc độ tăng trưởng chỉ còn khoảng 8-10% - mức bình thường như các ngành khác.

Đặc biệt, ông Dũng cũng cho biết thêm, công suất ngành bia theo đăng ký đã đạt 5,6 tỷ lít, tuy nhiên, có địa phương đăng ký nhưng không triển khai, nên công suất các nhà máy bia ở Việt Nam mới đạt chừng 5 tỷ lít/năm, công suất khả dụng khoảng 3,2 tỷ lít mỗi năm.

Cùng với đó, ngành bia hiện nay cũng đang phải đối mặt với một số tồn tại trong quản lý nhà nước, nên có tình trạng sản xuất bia không tuân theo quy hoạch gây lãng phí cho xã hội và cho nhà đầu tư. Từ đó dẫn đến tiêu thụ sản phẩm khó khăn và hiệu quả kinh doanh thấp, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.

Đặc biệt, hiện tượng gian lận thương mại trong sản xuất, kinh doanh bia không được quản lý tốt tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó tác động xấu đến môi trường kinh doanh của các DN sản xuất bia. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu để tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nội địa trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã được đầu tư, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào vài ba DN lớn, có uy tín và lượng bia xuất khẩu còn thấp.

Đức Phú

Tin đọc nhiều