Tương lai ngành bán lẻ Việt sẽ ra sao?

09:00 | 04/03/2019

Nhiều DN đẩy mạnh cả việc bán hàng thương mại điện tử lẫn xây dựng cửa hàng trải nghiệm thực tế

Bà Trần Thu Hiền, Phó tổng giám đốc Kinh doanh và Marketing Vincom Retail cho biết tại Hội thảo “Tương lai của bán lẻ Việt Nam” diễn ra mới đây tại TP.Hồ Chí Minh, với sự hỗ trợ của công nghệ, các trung tâm thương mại mà Vincom Retail đang vận hành sẽ theo xu hướng ngày càng thân thiện với người tiêu dùng, không chỉ giải quyết các vấn đề về logistics mà cả quá trình thanh toán, phục vụ, tương tác với khách hàng. Ngoài ra, công ty còn có bộ phận nghiên cứu đánh giá thị hiếu tiêu dùng để có thể dễ dàng, linh hoạt thay đổi cơ cấu các ngành hàng ở mỗi trung tâm thương mại.

tuong lai nganh ban le viet se ra sao
Ảnh minh họa

“Trong định hướng phát triển năm 2019 của mình, Vincom Retail sẽ tiếp tục mở rộng với kế hoạch ra mắt thêm 13 trung tâm Vincom mới, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79 trên toàn quốc nhằm phục vụ 220 triệu lượt khách, tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường, góp phần thay đổi diện mạo các đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam” - bà Hiền nói.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, việc mở rộng chuỗi là xu thế tất yếu của thị trường bán lẻ. Tại Việt Nam, kinh doanh theo chuỗi có mức tăng trưởng từ 20 - 30%/năm. Việt Nam vẫn là mảnh đất tiềm năng cho nhà đầu tư ngành bán lẻ trong và ngoài nước khi có quy mô dân số hơn 90 triệu dân. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trẻ, có thu nhập ngày càng cải thiện, cùng với tác động mạnh mẽ công nghệ số... chính là những lợi thế trong tương lai của ngành bán lẻ.

Để nắm bắt cơ hội này, DN kinh doanh trong ngành bán lẻ cần hướng đến đầu tư chuỗi hệ thống với quy mô lớn, quản trị tốt và xây dựng thương hiệu uy tín. Đồng thời, DN không thể lơ là sự thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng từ tâm lý, nhu cầu, thói quen mua sắm để lựa chọn phân khúc, sản phẩm, quy mô phù hợp. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua việc lựa chọn mặt bằng, bên cạnh nguồn nhân lực, tài chính, chiến lược, kỹ năng công nghệ.

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ Việt Nam đang có những kết quả phát triển khả quan với mức tăng trưởng ổn định khoảng 5% trong 10 năm qua, cao nhất trong khu vực các nước ASEAN. Doanh thu bán lẻ trong nước dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 11,9% tới thời điểm 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.

Theo các chuyên gia, hiện nay trên thế giới, các cửa hàng của những thương hiệu lớn không đơn giản chỉ là nơi trưng bày hàng hoá. Các trung tâm mua sắm được đầu tư công nghệ, tăng thêm tính trải nghiệm cho người dùng, cung cấp thông tin về xu hướng, màu sắc... Chính vì thế, các nhà đầu tư bất động sản cần nắm bắt để đưa vào trong các thiết kế.

Đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Rebecca Pearson, Phó giám đốc phụ trách bán lẻ CBRE châu Á đưa ra những con số ghi nhận triển vọng và các xu hướng mới trong việc tác động tới hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Cụ thể, năm 2018, thị trường bán lẻ đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng đạt 2 con số, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ 2 thế giới. Nhiều thương hiệu Việt Nam cũng đã vươn ra khu vực. Và đáng chú ý là sự gia tăng trong lĩnh vực bán lẻ hàng điện tử, dịch vụ giao hàng… tạo trải nghiệm mới cho khách hàng.

Theo vị chuyên gia này, mặc dù thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ nhưng người tiêu dùng vẫn thích được trải nghiệm thực tế sản phẩm. Đó cũng là lý do rất nhiều DN trên thế giới đã đẩy mạnh cả việc bán hàng qua thương mại điện tử lẫn xây dựng cửa hàng trải nghiệm thực tế phục vụ người tiêu dùng. Tại Việt Nam, DN muốn tiếp cận khách hàng tốt cũng phải bắt kịp xu hướng này nhằm đảm bảo cho người dùng được trải nghiệm tốt hơn.

Bàn về vấn đề này, ông Geoffrey Morrison, sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Concept I cho rằng, hiện các DN trong và ngoài nước đang có xu hướng tăng đầu tư để đáp ứng các đơn hàng cũng như tăng tương tác kỹ thuật số với khách hàng gắn với việc đổi mới, sáng tạo, định hướng thương hiệu trong thiết kế và đem lại tối đa trải nghiệm cho khách hàng, nhất là đối với các khách hàng thường xuyên, có doanh số mua sắm, tiêu dùng cao. Muốn đứng vững trước làn sóng thâm nhập ngày càng mạnh của nhà đầu tư ngoại, DN bán lẻ Việt Nam cần phải vượt qua chính mình, phát huy thế mạnh về văn hóa, kinh nghiệm, đồng thời liên kết với nhau và với các hiệp hội ngành hàng để có thể tạo thế chủ động trước các đối thủ cạnh tranh lớn mạnh đến từ bên ngoài.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều