Tỷ lệ nội địa hóa của DN FDI: Chưa đáp ứng được kỳ vọng

10:00 | 19/06/2019

Trong số khoảng hơn 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện trong cả nước, hiện chỉ có hơn 300 DN trong nước tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia.

Doanh nghiệp FDI và những đóng góp phát triển bền vững tại Việt Nam
Thu hút FDI vào TP.HCM tiếp tục tăng
Tìm mô hình mới cho xúc tiến đầu tư

Tăng về số lượng đầu tư

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 tháng đầu năm là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 9,09 tỷ USD, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể tính đến ngày 20/5/2019, cả nước có 1.363 dự án mới được cấp GCNĐKĐT với tổng vốn đăng ký cấ́p mới 6,46 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó có 505 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,63 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

ty le noi dia hoa cua dn fdi chua dap ung duoc ky vong
Ngành CNHT vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực của Việt Nam, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm 71,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,138 tỷ USD, chiếm 8,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lũy kế đến ngày 20/05/2019, cả nước có 28.632 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 350,5 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt 198,7 tỷ USD, bằng 56,7% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 204,2 tỷ USD, chiếm 58,3% tổng vốn đầu tư.

Tuy nhiên, các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. DN FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các DN Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Bằng chứng là tỷ lệ nội địa hóa của các DN FDI tại Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Bởi vậy các chuyên gia cho rằng cần phải có những chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) hơn nữa.

Theo đánh giá của các DN FDI, việc đẩy mạnh nội địa hóa vừa nâng cao năng lực, chất lượng của nhà cung cấp, vừa giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, mặc dù Việt Nam đã có những chính sách khuyến khích phát triển CNHT nhưng hiện lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Và thực tế cho thấy, rất ít các DN trong nước đủ đáp ứng được yêu cầu là đơn vị cung cấp cho các DN nước ngoài. Chính vì vậy, DN FDI buộc phải nhập khẩu linh, phụ kiện từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc.

Cần có giải pháp triệt để

Theo Bộ Công thương, trong số khoảng hơn 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện trong cả nước, hiện chỉ có hơn 300 DN trong nước tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Thực tế cho thấy, các DN CNHT chủ yếu vẫn là DNNVV với năng lực còn hạn chế, chưa đủ để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu. Đây cũng là thực trạng khó khăn của các DN FDI khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa bằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp đến từ Việt Nam.

Đại diện Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của DN Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%, còn khá thấp so với tỷ lệ tại Trung Quốc ở mức 66%, hay tại Thái Lan là 57%. Đây là thách thức không nhỏ đối với các DN Nhật trong việc duy trì hoạt động sản xuất trong trung và dài hạn tại Việt Nam.

Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam, Tập đoàn Samsung trong những năm gần đây đã tăng cường thúc đẩy hợp tác với các DN vệ tinh trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa.

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, hiện đã có 210 DN Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung và tập đoàn đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực điện, điện tử... Thời gian qua, Samsung đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác với Bộ Công thương nhằm hỗ trợ, đào tạo và cử các chuyên gia hàng đầu giúp các DN trong nước nâng cao năng lực, đủ đáp ứng được các yêu cầu của tập đoàn đối với DN cung cấp linh phụ kiện.

Ông Choi Joo Ho nhấn mạnh, việc hợp tác đào tạo các chuyên gia Việt Nam về CNHT vừa đảm bảo cam kết của Samsung với Chính phủ Việt Nam về việc thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, vừa giúp Samsung giảm giá thành nhập khẩu linh kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lợi nhuận.

Không được thuận lợi như Samsung, các DN FDI trong lĩnh vực ô tô, xe máy như Toyota, Yamaha đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp các sản phẩm hỗ trợ đến từ Việt Nam để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Theo Bộ Công thương, tỷ lệ nội địa hóa của các DN ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam mới đạt 7 - 10%, đây là con số rất thấp, trong khi tỷ lệ này của các nước trong khu vực trung bình đã đạt mức 65 - 70%, riêng Thái Lan đạt tới 80%.

Đại diện Toyota Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang gặp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước trong khu vực, và việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp DN giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh. Trong số 33 nhà cung cấp linh kiện phụ tùng cho Công ty Toyota Việt Nam, chỉ có 5 nhà cung cấp là DN Việt Nam.

Đại diện JETRO cũng cho biết, ngành CNHT của Việt Nam phần lớn do DNNVV đảm nhận. Bên cạnh năng lực còn hạn chế thì những khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cũng làm chậm sự phát triển. Bởi vậy Chính phủ Việt Nam cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy cho ngành CNHT, từ đó tạo điều kiện cho các DN FDI tìm kiếm được nhiều đối tác chiến lược trong nước. Đồng thời nâng cao chất lượng các DN Việt đủ sức tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu cao của các tập đoàn đa quốc gia.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều