Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong doanh nghiệp: Lợi thế cạnh tranh trong thời đại số

11:00 | 02/10/2019

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều DN Việt đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động sản xuất và quản lý. Theo các chuyên gia, AI đang được xem là công nghệ mũi nhọn trong định hướng chiến lược tiên phong chuyển đổi số tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Ngân hàng Việt “làm gì” với AI?
Chung tay làm AI, nếu không nhanh cơ hội sẽ qua đi
ung dung tri tue nhan tao trong doanh nghiep loi the canh tranh trong thoi dai so
Thúc đẩy ứng dụng AI trong DN cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực

Năm 2018, ngành công nghiệp AI tăng trưởng hơn 70% so với năm 2017, tương đương 200 tỷ USD. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với các DN trên thế giới và Việt Nam. Tại Việt Nam, AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như y tế, ngân hàng, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... Vì vậy, AI được xem là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp và đem lại lợi thế rất lớn trong hoạt động kinh doanh.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam xác định AI là một trong các công nghệ đột phá, mũi nhọn. Do đó bộ đang tập trung tham mưu, định hướng để thúc đẩy phát triển công nghệ, trong đó tập trung nguồn lực cho phát triển AI. Đồng thời, tiếp tục phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm, hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, liên kết các nhà nghiên cứu, đầu tư, doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng AI.

Hiện tại, mức độ ứng dụng AI vào các lĩnh vực tại Việt Nam đang ngày một gia tăng, trong đó các ngành công nghiệp chính chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ AI là thương mại điện tử khi có đến 29% các công ty AI hoạt động trong lĩnh vực này. Ngành vận tải & logistics cũng ghi nhận con số 18% và ngành giáo dục là 12%. Là một trong những DN tiên phong trong ứng dụng AI, Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel hiện đã đưa AI vào nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, nông lâm nghiệp, ngân hàng số, thành phố thông minh cũng như thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, việc ứng dụng AI đang là một trong những định hướng chiến lược trong tương lai. Trong lĩnh vực y tế, Viettel là đơn vị đầu tiên triển khai ứng dụng AI trong chẩn đoán nội soi qua hình ảnh, giúp tự động xác định, khoanh vùng và đánh giá mức độ tổn thương của hệ tiêu hóa – nơi vốn có nhiều căn bệnh phổ biến tại Việt Nam. Sử dụng AI giúp thời gian chẩn đoán nhanh gấp 5 lần so với phương pháp truyền thống, độ chính xác lên đến 90%. Bên cạnh lĩnh vực y tế, Viettel cũng đang ứng dụng AI trong các dự án về quản lý rừng và an ninh mạng…

Trên thực tế, phần lớn các tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT... không chỉ ứng dụng AI trong các hoạt động, mà còn tập trung xây dựng những giải pháp về AI, đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ mới theo xu hướng của cuộc cách mạng số như AI, kết nối vạn vật (Internet of things - IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây…

Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho rằng, AI là yếu tố quan trọng nhất trong ngành công nghiệp 4.0. AI có mặt và làm thay đổi tích cực tất cả các lĩnh vực quan trọng trong đời sống như tài chính - ngân hàng, công nghiệp nặng, vận tải, game… Chính vì vậy FPT đã ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực, cung cấp các dịch vụ AI cho các DN. Đồng thời mới đây, đại học FPT cũng đã mở chuyên ngành đào tạo về AI và IoT…

Có thể thấy, không chỉ các tập đoàn lớn ở Việt Nam ứng dụng AI trong hoạt động sản xuất, mà hiện nay nhiều DNNVV, đặc biệt là các start-up cũng bắt đầu quan tâm việc ứng dụng AI trong các mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI tại những DNNVV ở Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn và nguồn nhân lực.

Do là ngành còn mới mẻ đối với Việt Nam nên có rất ít trường đại học hay cơ sở đào tạo tại Việt Nam đưa AI vào chương trình đào tạo, khiến nguồn nhân lực AI rơi vào tình trạng khan hiếm dù nhu cầu của thị trường ngày càng lớn. Bởi vậy nhân sự về AI đang là bài toán nan giải đối với nhiều DN.

Bên cạnh đó, do chi phí đào tạo nhân lực về ngành AI đòi hỏi tốn kém về kinh phí và thời gian nên các DNNVV cũng khó cạnh tranh khi các nhân lực chủ yếu lựa chọn các DN, tập đoàn lớn. Theo các chuyên gia, để thúc đẩy ứng dụng AI phổ biến trong DN thì cần quan tâm lớn đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Lê Hồng Việt nhấn mạnh, FPT đã đặc biệt quan tâm và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, tổ chức các bộ phận để nghiên cứu riêng về lĩnh vực AI. Đại học FPT là một trong những trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đưa AI vào thành một chuyên ngành đào tạo độc lập. Điều này rất phù hợp với xu thế phát triển của xã hội khi Việt Nam đang chú trọng phát triển ngành khoa học AI để sớm góp mặt trong bản đồ AI thế giới. Không chỉ các trường quan tâm đào tạo nhân lực cho AI mà chính các DN cũng cần phải có những đầu tư chuyên nghiệp hơn về lĩnh vực này để tạo ra lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ đang phát triển hiện nay.

Nguyễn Minh

Tin đọc nhiều