Ủy ban Cạnh tranh quốc gia: Trực thuộc Bộ Công thương là phù hợp?

17:00 | 09/05/2018

Đến nay, UBTVQH đã chấp thuận để Chính phủ đưa dự luật Cạnh tranh (sửa đổi) ra báo cáo trước Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tới. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến nghi ngại về tính độc lập, các quy định về thẩm quyền cũng như khả năng thực thi của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia được quy định tại dự án luật nói trên.

Quan trọng hàng đầu là cải cách bộ máy nhà nước
Nhân lực – chìa khóa để tăng sức cạnh tranh
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Đặt ủy ban Cạnh tranh ở Bộ Công thương sẽ không phát huy tác dụng

Sở dĩ là do dự thảo luật đã định danh cơ quan này trực thuộc Bộ Công thương, tham mưu giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh; tiến hành tố tụng để xử lý vụ việc cạnh tranh; kiểm soát tập trung kinh tế... Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với việc đặt cơ quan này thuộc Bộ Công thương vì cho rằng, cạnh tranh diễn ra ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau, trong khi thẩm quyền của Bộ Công thương chỉ giới hạn trong lĩnh vực do mình quản lý…

uy ban canh tranh quoc gia truc thuoc bo cong thuong la phu hop
Ảnh minh họa

Giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của dư luận, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết quan điểm ban đầu không chỉ của bộ mà cả ban soạn thảo là sẽ xây dựng một ủy ban cạnh tranh độc lập và trực thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội. Tuy nhiên, đề xuất đó không phù hợp với nỗ lực của chúng ta trong việc sắp xếp và tinh giảm bộ máy trong giai đoạn hiện nay. Cho nên, sau khi nhận được nhiều ý kiến góp ý của cả đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo đã cân nhắc và xây dựng như dự thảo là trực thuộc Bộ Công thương.

Về chức năng, cơ quan này là bán tư pháp vì cùng lúc thực hiện 2 chức năng: quản lý nhà nước về môi trường cạnh tranh và xét xử các vụ việc hạn chế cạnh tranh. “Chức năng quản lý nhà nước rõ ràng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương. Ủy ban sẽ giúp bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực cạnh tranh. Còn làm thế nào để bảo đảm sự độc lập trong xét xử thì dự án luật quy định Hội đồng xét xử sẽ có 15 ủy viên do Thủ tướng bổ nhiệm và hoàn toàn chỉ tuân thủ theo pháp luật. Chính vì vậy, thiết kế của dự án luật bảo đảm cho cơ quan này thực hiện tốt được cùng lúc cả 2 chức năng”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Giải đáp các thắc mắc dư luận cho rằng liệu cơ quan cạnh tranh có thẩm quyền xử lý các vụ việc ngoài lãnh thổ Việt Nam hay không, ông khẳng định: Cơ quan cạnh tranh của Việt Nam không có ý định xử lý tất cả các vụ việc sáp nhập, tập trung kinh tế hay những vụ việc cạnh tranh trên toàn thế giới, tức là bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Dự án Luật đã quy định rất rõ, cơ quan này chỉ xử lý những vụ việc hạn chế cạnh tranh có thể gây tác động đáng kể đến thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi tự tin cho rằng có khả năng đánh giá được tác động đến thị trường Việt Nam, vì nó chỉ có thể gây tác động trong hai trường hợp: một là có một hiện diện nào đó tại Việt Nam và tham gia vào môi trường cạnh tranh tại Việt Nam; hai là có cung cấp dịch vụ qua biên giới, tức là có tham gia vào thị trường Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lý giải và cho biết cả hai trường hợp này cơ quan cạnh tranh đều có thể tìm hiểu được. Nếu như có tập trung kinh tế ở bên ngoài nhưng DN có hiện diện thương mại tại Việt Nam thì sẽ có trách nhiệm trả lời các câu hỏi của cơ quan cạnh tranh Việt Nam. Nếu không, cơ quan cạnh tranh này vẫn có thể đưa ra kết luận về vụ việc kể cả các thông tin gây bất lợi cho bên không trả lời.

Về hợp tác quốc tế của Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia, trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã và đang tham gia, tất cả các thành viên đều rất quan tâm đến vấn đề cạnh tranh. Trong các FTA này đều có một chương để nói về cạnh tranh. Một trong các nhiệm vụ quan trọng của các FTA này là tìm cách hài hòa lợi ích; phối hợp giữa các cơ quan cạnh tranh với nhau để bảo đảm rằng khi thực thi pháp luật cạnh tranh không cản trở hoạt động của DN.

Dương Công Chiến

Tin đọc nhiều