Vì sao rụt rè với minh bạch?

09:04 | 04/06/2015

Một số DN nói muốn thúc đẩy minh bạch nhưng khi bàn đến công việc triển khai thì họ lại tìm cách né tránh, kêu khó vì cái này, cái kia nên không thể làm được. Số khác lại lấy lý do hệ thống quản lý chưa minh bạch nên lo ngại nếu làm thế sẽ thiệt thòi…

Đây chỉ là một vài trong vô vàn lý do mà DN Việt đưa ra khi thực hiện minh bạch hóa trong quản lý kinh doanh. Theo đó, đa phần các DN hiện nay vẫn khá mập mờ khi thực hiện kinh doanh minh bạch, không chỉ về báo cáo tài chính, mà còn khuất tất cả ở hệ thống quản trị nhân lực.

vi sao rut re voi minh bach
DN cần đặt tiêu chí minh bạch lên hàng đầu

Đại diện một DN (xin được giấu tên) đã chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn minh bạch, nhưng do hệ thống chưa minh bạch nên đôi lúc người ta làm những việc không muốn như xin giấy phép, xin việc làm phải sử dụng phí bôi trơn”.

Cụ thể vị đại diện này giải thích: “Đôi lúc đâu đó khi thực hiện những việc trên, đạo đức không cho phép nhưng vì cả hệ thống và chính sách đang đè nặng, dẫn tới không minh bạch được. Sự liêm chính và minh bạch có sẵn trong mỗi con người, nhưng quan trọng là cơ chế chính sách có thúc đẩy và phát huy được điều ấy không?”.

Để rồi minh chứng cho nhận định nhiều DN còn rụt rè khi cam kết minh bạch, ông Phạm Ánh Dương, Quản lý liêm chính DN (Tổ chức Hướng tới Minh bạch) chia sẻ rằng, nhiều DN vẫn còn những ý kiến cho rằng nếu không hối lộ, lại quả hay đi cửa sau thì “lấy đâu ra cửa mà làm!”.

Và thực tế là môi trường kinh doanh trong một thời gian dài đã ảnh hưởng tới niềm tin của DN. Họ cho rằng nếu không làm như vậy thì khó mà cạnh tranh được. Khi DN muốn minh bạch thì cần công bố tất cả các vấn đề liên quan tới hoạt động của mình, không làm sai bất cứ điều gì thì họ mới dám minh bạch.

Và ông Dương cũng đưa ra khuyến cáo đối với các DN trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cũng như phát triển các mối quan hệ hợp tác với khách hàng nước ngoài: “Liêm chính là một trong những yếu tố mà khách hàng nước ngoài đánh giá DN trước khi lựa chọn đối tác”. Ngoài ra, có đến 60% người tiêu dùng đang sẵn sàng bỏ thêm tiền mua sản phẩm của DN trung thực, minh bạch được thể hiện bằng chất lượng, khiến người tiêu dùng tin tưởng.

Vì vậy, để thực hành minh bạch và chứng tỏ với đối tác, người tiêu dùng và Chính phủ, trước hết DN cần phải tuân thủ đúng luật. Họ cũng cần chủ động xây dựng hệ thống quản trị bài bản, chặt chẽ từ trên xuống dưới.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó tổng Thư ký, Thành viên Ban Thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và đại diện Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu tại Việt Nam cũng khẳng định, minh bạch trong DN là vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.

Mới đây nhất, VCCI đã được Chính phủ giao thực hiện Kế hoạch hành động “Thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh” trong cộng đồng DN. Đây là cơ hội để DN cải thiện môi trường kinh doanh, minh bạch sẽ giúp tăng năng suất lao động và lòng tin của đối tác, làm lao động gắn bó hơn với DN, góp phần tạo sự phát triển DN bền vững.

Đồng quan điểm, ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội DN của UNIDO bổ sung thêm thông tin, ISO26000 là bộ tiêu chuẩn hướng dẫn tương đối toàn diện, nhấn mạnh phương pháp tiếp cận tổng hợp tới hoạt động của DN. 7 nguyên tắc trong bộ tiêu chuẩn này có vai trò quan trọng tương đương nhau, tuy nhiên có một nguyên tắc giữ vị trí nền tảng, đó chính là minh bạch.

Hà Sơn

Tin đọc nhiều