Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản

14:00 | 27/02/2019

Theo dự kiến, ngày 4/3 tới đây, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) Văn phòng đại diện tại Hà Nội sẽ công bố kết quả “Khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và Châu Đại Dương năm tài chính 2018”. 

Nhật Bản: Tăng cường đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực
Nhật Bản hợp tác Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững

Tuy nhiên mới đây tổ chức này đã cho biết một số thông tin ban đầu về xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam.

viet nam hap dan nha dau tu nhat ban
Khu Kỹ nghệ Việt - Nhật đã được động thổ xây dựng hồi đầu năm 2018

4 lĩnh vực mũi nhọn

Theo khảo sát, 70% NĐT Nhật dự định mở rộng hoạt động kinh doanh, so với các nước khác, tỷ lệ này tương đối cao. Riêng đối với những DN thành lập trước năm 2010, có đến 67,1% DN có dự định này. Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO, Việt Nam tiếp tục có vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Những động lực để các DN Nhật Bản tiếp tục đầu tư là nhờ doanh thu tăng; tiềm năng thị trường; và tính tăng trưởng cao.

Cùng với những thông tin đầy tích cực này, vốn FDI từ Nhật Bản dự báo sẽ tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư diễn ra liên tục từ đầu năm 2019. Hôm đầu tuần qua, khoảng 40 lãnh đạo cấp cao của các DN Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, sản xuất máy móc, linh kiện, ô tô, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, hàng không… đã có chuyến thăm để tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về tình hình, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước.

Giới thiệu về những lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa 2 nước trong thời gian tới, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, 4 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp đang được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới cho sự hợp tác giữa DN hai bên.

Ông Lộc phân tích, tính riêng trong năm 2018, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản tăng mạnh, bao gồm nhiều mặt hàng như dệt may, thiết bị phụ tùng, thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ… Ngược lại, Việt Nam cũng tiếp tục nhập khẩu của Nhật Bản các mặt hàng thế mạnh của đất nước này với giá trị từ 1 tỷ USD trở lên như máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đi kèm, sắt thép các loại…

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI lưu ý, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Do đó, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cần được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt, ông Lộc kỳ vọng những kinh nghiệm và công nghệ của Nhật Bản sẽ trợ giúp DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, cụ thể là các DNNVV để tăng tỷ lệ nguyên liệu, linh kiện được sản xuất bởi DN thuần Việt trong chuỗi giá trị.

Động lực mới từ lĩnh vực phi chế tạo

Cùng với sự phát triển trong lĩnh vực chế tạo, năm 2018 ghi nhận sự phát triển hợp tác Việt – Nhật trong lĩnh vực phi chế tạo. Cụ thể là lĩnh vực lao động, tổng số người lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới 300.000 người trong năm 2018, gấp 6 lần trong 6 năm qua, cho thấy tiềm năng lớn trong việc hợp tác lao động giữa hai đất nước.

Hiện nay, người Việt Nam đã có mặt sinh sống, học tập và làm việc tại tất cả các tỉnh, thành của Việt Nam. Trong những nước ASEAN, Việt Nam là nước có số lượng học sinh du học tại Nhật Bản cao nhất. Cùng với đó, việc dân số Nhật Bản bị già hóa và giảm về số lượng thì nguồn thực tập sinh nước ngoài nói chung và Việt Nam nói riêng đang là nguồn bổ sung quan trọng cho sự thiếu hụt nhân lực trong tất cả các lĩnh vực tại Nhật Bản.

Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực du lịch cũng có nhiều bước phát triển lớn. Nhật Bản được coi là thị trường trọng điểm nằm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn 2020 - 2030. Hiện cả 4 thành phố lớn của Nhật Bản gồm Tokyo, Nagoya, Osaka, Fukuoka đều khai thác đưa khách Nhật Bản đến Việt Nam bằng đường bay thẳng đến TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực du lịch ngày một phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy giao lưu, tăng cường hiểu biết về văn hóa giữa hai nước. Xúc tiến thương mại đầu tư kết hợp với các hoạt động văn hóa du lịch sẽ là bệ phóng cho việc hợp tác đạt kết quả lớn.

Cuối cùng, nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác nhiều triển vọng và có tiềm năng phát triển hàng đầu. Bên cạnh việc trao đổi kinh nghiệm và công nghệ cao, DN Nhật Bản và Việt Nam có thể tăng cường hợp tác để xây dựng vành đai cung cấp thực phẩm an toàn cho người Nhật và phối hợp xuất khẩu sang thị trường bên thứ ba. Đó là chưa kể hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ giữa hai nước cũng có những bước tiến lớn về doanh thu xuất khẩu trong ngành công nghệ thông tin, số lượng học viên, hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm y tế cũng tăng lên…

Ông Shinichiro Shimizu - Giám đốc Japan Airlines cho biết, cùng với làn sóng dịch chuyển trung tâm sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam đang trở thành một trong các điểm đến tiềm năng để mở rộng công xưởng của các NĐT Nhật Bản cũng như các NĐT nước ngoài khác.

Vì vậy, nhu cầu vận chuyển hàng hoá giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua, tạo điều kiện phát triển cho ngành hàng không của nước này. Ông kỳ vọng, cùng với việc thực thi CPTPP, các sản phẩm giao thương sẽ gia tăng, tạo điều kiện thúc đẩy hơn nữa cho dịch vụ hàng không của Nhật Bản cũng như Việt Nam.

Ông Kobayashi Yoichi - Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản – Mê Kông đánh giá, với quy mô dân số sắp đạt 100 triệu dân, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ vô cùng hấp dẫn đối với các NĐT nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.

Thống kê cho thấy, hiện nay có khoảng 1.900 DN Nhật Bản đang đầu tư vào Việt Nam. Năm 2018, có khoảng 290.000 người Việt đang cư trú tại Nhật Bản, trong đó có tới 80.000 du học sinh, tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Ông khẳng định, sự giao lưu về văn hoá, lao động… sẽ mở ra triển vọng hợp tác kinh tế - xã hội ngày càng phát triển giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản.

Ngọc Khanh

Tin đọc nhiều